Vị doanh nhân hiến hơn 5.000 lượng vàng cho cách mạng
Mùa thu năm 1945, bên cạnh niềm hân hoan giành chính quyền từ tay phát xít Nhật, Chính phủ lâm thời mới thành lập gặp nhiều khó khăn về tài chính. Kho bạc Trung ương lúc đó đối mặt với khoản nợ ngắn hạn phải thanh toán lên đến 564 triệu đồng, trong khi ngân khố chỉ còn hơn 1,2 triệu đồng Đông Dương mà gần một nửa là tiền rách chờ thu đổi.
Trong thế "ngàn cân treo sợi tóc", mọi công việc từ tổ chức bộ máy Nhà nước, xây dựng lực lượng vũ trang, giải quyết nạn đói, thiên tai… đều cần có tiền, Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng kiến thành lập Quỹ Độc Lập, thu nhận tài chính và hiện vật nhân dân quyên góp cho Chính phủ. Trong khuôn khổ của Quỹ, Tuần lễ vàng được phát động từ ngày 17/9/1945 trên khắp mọi miền đất nước.
Quang cảnh các gia đình tư sản Hà Nội quyên góp trong Tuần lễ Vàng. Ảnh do gia đình cung cấp
Hưởng ứng lời kêu gọi trên, ngay tại Hà Nội, từ những người lao động nghèo đến những nhà tư sản, điền chủ... đều hết lòng đóng góp. Trong số này, nổi bật là gia đình thương nhân Trịnh Văn Bô, chủ tiệm vải Trịnh Phúc Lợi số 48 Hàng Ngang, nổi tiếng Hà thành thời đó. Theo tổng hợp của Bộ Tài chính, lúc khốn khó nhất, gia đình đã ủng hộ tới 5.147 lượng vàng, tương đương 2 triệu đồng Đông Dương cho Chính phủ. Ngoài ra, vợ chồng ông Trịnh Văn Bô còn là thành viên cốt cán trong Ban vận động Tuần lễ vàng, khích lệ giới công thương và các tầng lớp nhân dân quyên góp được 20 triệu đồng Đông Dương và 370 kg vàng.
"So với chỉ 1,2 triệu đồng Đông Dương, đa phần rách nát, chờ tiêu hủy trong ngân khố lúc đó, vai trò của những doanh nhân yêu nước như cụ Trịnh Văn Bô lại có ý nghĩa hơn bao giờ hết", Thứ trưởng Nguyễn Công Nghiệp bày tỏ trong một cuộc tọa đàm khoa học Bộ Tài chính tổ chức cuối tháng 7 về chủ đề "Doanh nhân Trịnh Văn Bô và những cống hiến cho nền tài chính cách mạng".
Hay theo nhận xét của nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Tế: "Đây là một gia đình tiêu biểu, có công lớn với dân tộc, với cách mạng, tạo nguồn tài chính cho những ngày đầu của chính quyền cách mạng non trẻ".
Vợ chồng ông Trịnh Văn Bô, bà Hoàng Thị Minh Hồ. Ảnh do gia đình cung cấp
Ông Trịnh Văn Bô sinh năm 1914, là con út trong gia đình 3 anh chị em. Thân sinh là cụ Trịnh Phúc Lợi, một doanh nhân Việt Nam đầu thế kỷ 20. Mẹ ông họ Phan, người gốc Hoa, về sau cùng chồng quản lý thành công hiệu buôn Phúc Lợi. Cậu ruột cũng là chủ một hiệu buôn. Không chỉ là một doanh nhân thành đạt, cha ông còn là thầy của nhiều doanh nhân nổi danh như Nguyễn Đức Mậu (hiệu Phát Đạt), Mai Bá Lân (hiệu Lợi Quyền), Vương Xuân Tọa (hiệu Lợi Hòa)...
Năm 1932, ông lập gia đình với bà Hoàng Thị Minh Hồ, ái nữ của cụ Hoàng Đạo Phương, một nhà nho và cũng là thương gia giàu có đất Hà Nội xưa. Trong sự nghiệp kinh doanh của chồng, bà Minh Hồ đóng một vai trò quan trọng. Theo lời kể của bà, toàn bộ tài sản gia đình có được đều nhờ tiệm vải Phúc Lợi. Tiệm không chỉ phục vụ người Việt mà còn giao thương khắp khu vực Đông Dương, Trung Quốc, Nhật Bản, Thụy Sĩ, Ấn Độ...
Cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ năm nay đã gần 100 tuổi, vẫn còn minh mẫn. Tiếp phóng viên VnExpress tại nhà riêng, cụ tự tay rót trà mà không hề run. Khi hỏi đến chuyện kinh doanh của gia đình, cụ kể lại từng chi tiết, từng con số, thi thoảng pha chút dí dỏm của một bà chủ tháo vát đất Hà thành một thời.
"Ngày xưa cụ nội của tôi tham gia phong trào Đông kinh Nghĩa thục. 11 tuổi tôi mới được đi học chữ phổ thông. Được bố dạy chữ nho, học tam tự kinh, nhưng đến 15 tuổi thì thôi, vì con gái ngày xưa không cần học nhiều. Nhưng thêu thùa, cỗ bàn phải biết", cụ nhớ lại thời son rỗi của thiếu nữ phố Hàng Đào, nổi tiếng giàu về cái chữ, nhiều người làm quan. "Các cụ nhà tôi chỉ kinh doanh, làm từ thiện thôi", cụ nói thêm.
Gia đình cụ hiện sống trong căn biệt thự cổ xưa, vẫn giữ nguyên nếp thanh lịch, hiếu khách của người Hà Nội xưa. Biết có khách đến chơi, người con dâu của chuẩn bị một ấm trà quý để cụ tự tay rót. Chiếc bàn nước bằng đá hàng ngày được trải thêm khăn trắng tinh, người con dâu cụ giải thích đây là ý của cụ, khách đến nhà phải thật chu đáo thì cụ mới vừa lòng.
Nhớ lại thời kỳ huy hoàng, làm ăn không biết mệt mỏi của gia đình, vị phu nhân của ông Trịnh Văn Bô nói: “Lúc đó tôi mới 20 tuổi nhưng say sưa với công việc để chiếm lĩnh thị trường. Gia đình buôn bán có uy tín, hàng hóa nhiều, đồng tiền vững giá và không có chuyện khách nợ nần. Do vậy, chỉ từ 30.000 đồng Đông Dương khởi nghiệp, khối tài sản gia đình đã tăng lên hàng trăm lần, giàu có nhất nhì thủ đô”.
Khi cách mạng diễn ra tại thủ đô, vợ chồng ông gác chuyện kinh doanh tất bật để dốc sức lo cho cách mạng. Tham gia Việt Minh từ cuối năm 1944, hay tin cả nước chuẩn bị cho sự kiện lịch sử khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, vợ chồng ông tạo điều kiện nuôi giấu cán bộ Việt Minh ngay tại nhà mình, dù biết sẽ mạo hiểm cơ nghiệp và tính mạng cả gia đình.
Toàn bộ tầng 2 căn nhà 48 Hàng Ngang được bố trí làm nơi làm việc của Bác Hồ và 15 người trong Thường vụ Trung ương Đảng. Cũng chính tại đây, bản “Tuyên ngôn độc lập” ra đời. Gia đình ông Trịnh Văn Bô còn sẵn lòng cung cấp tài chính thiết yếu cho Đảng.
Sau 2/9/1945, trong những sự kiện như “Quỹ độc lập”, “Tuần lễ Vàng”, cụ Trịnh Văn Bô và gia đình lại là trụ cột, tấm gương tiêu biểu cho giới công thương cả nước ủng hộ chính quyền nhân dân, ủng hộ nền tài chính cách mạng non trẻ vô điều kiện.
Dốc gần 90% tài sản quyên góp cho Chính phủ, bà Minh Hồ tâm sự gia đình chỉ suy nghĩ giản đơn rằng chính quyền non trẻ có giữ được, thì mình mới mong tiếp tục buôn bán. Nhiều xấp vải trong nhà được bán phá giá để có tiền đài thọ cho mọi chi tiêu, ăn mặc, tiếp khách của Nhà nước. “Vợ chồng tôi có 4 bàn tay, 2 khối óc, chúng tôi có đóng góp hết, chúng tôi lại sẽ làm ra. Nhưng độc lập của dân tộc Việt Nam thì không thể nào để mất, vì mất rồi thì bao giờ thế hệ sau mới lấy lại được”, câu nói bất hủ của bà Hồ được ông Trịnh Đình Hưng - Chủ tịch Hội đồng Họ Trịnh Việt Nam dẫn lại với niềm tự hào.
Cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ tiếp Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp tại nhà riêng.
Sau Quốc Khánh, gia đình ông bà được đón Bác Hồ tới chơi và ở lại. Cộng với sự khuyến khích của ông Nguyễn Lương Bằng - Trưởng Ban Tài chính của Đảng bấy giờ, ông Trịnh Văn Bô đã cùng với một số nhà tư sản yêu nước khác xây dựng Việt Nam Công thương ngân hàng nhằm điều phối công tác tín dụng, thay thế cho Ngân hàng Đông Dương của Pháp. Chức Chủ tịch được giao cho chính ông Trịnh Văn Bô.
Hòa bình không lâu, thực dân Pháp tái chiếm Đông Dương, bà Minh Hồ dẫn hơn chục hành viên trong gia đình tản cư lên Cao Bằng, còn ông Trịnh Văn Bô công tác trong chính phủ kháng chiến tại Việt Bắc. Hoàn cảnh trăm bề nguy hiểm, bà Minh Hồ lo liệu cho cả gia đình đủ ăn, đủ mặc dù rất thiếu thốn. Từ một bà chủ đài các nơi phố phường đô hội, bà sẵn sàng nuôi lợn, trồng rau muống, bán chè… kiếm tiền.
“Tưởng như có lúc rơi vào đường cùng nhưng với niềm tin và sự liều lĩnh của một thương nhân, gia đình vẫn vượt qua những lúc khốn cùng nhất”, cụ chia sẻ hồi ức với phóng viên VnExpress.
Hơn một nửa thế kỷ đã qua đi, tới thăm ngôi nhà gia đình đang sống tại số 34 Hoàng Diệu, cụ ông Trịnh Văn Bô đã tạ thế 25 năm, bàn thờ cụ và các vị thân sinh vẫn được đặt trang trọng trong ngôi biệt thự cổ để các thế hệ sau hương khói. Tiệm vải Phúc Lợi số 48 Hàng Ngang nổi tiếng xưa kia nay trở thành di tích lịch sử đón khách đến thăm quan. Bảy người con của hai cụ không một ai theo nghiệp kinh doanh trước kia mà đều trở thành các kỹ sư, giáo viên làm việc tại các cơ quan Nhà nước.
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh cụ Trịnh Văn Bô, mừng đại thọ 100 tuổi của cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ (1914 - 2014), Bộ Tài chính đang biên soạn cuốn sách “Doanh nhân Trịnh Văn Bô và những cống hiến cho nền tài chính cách mạng Việt Nam” nhằm vinh danh những công lao, đóng góp của gia đình với Đảng, Chính phủ và ngành Tài chính. Ngoài ra, Bộ cũng đề xuất UBND thành phố Hà Nội lấy tên cụ Trịnh Văn Bô đặt cho một con đường tại thủ đô để nhiều thế hệ sau vẫn còn nhớ tới nhà tư sản yêu nước.
Nguồn vnexpress.net