Ngày 30/3, tại Khu di tích lịch sử quốc gia Phủ Trịnh (xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) đã diễn ra lễ kỷ niệm 451 năm ngày mất của Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm.
Ông là người có những cống hiến rất quan trọng trong sự phát triển của lịch sử Việt Nam dưới thời Lê Trung Hưng, tạo dựng hình thái nhà nước phong kiến mới ở Việt Nam vào thế kỷ thứ XVI và XVII.
Lễ tế được cử hành trang trọng tại lễ kỷ niệm 451 năm ngày mất Minh Khang Thái vương Trịnh Kiểm (Ảnh tư liệu).
Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm sinh năm 1503, là người Biện Thượng (nay là xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) xuất thân từ tầng lớp dân nghèo cùng khổ. Năm 1525, sau khi Mạc Đăng Dung soán ngôi nhà Lê, Trịnh Kiểm đã nguyện đi theo Hưng quốc công Nguyễn Kim dựng cờ phù Lê diệt Mạc. Do lập nhiều chiến công, ông được Hưng quốc công Nguyễn Kim gả con gái là Nguyễn Thị Ngọc Bảo và được vua Lê giao cho nhiều trọng trách.
Suốt 25 năm cầm quân chinh chiến, ông đã có nhiều cống hiến lớn ở thời Lê Trung Hưng, góp phần tạo nên cơ nghiệp nhà Trịnh với 12 đời chúa tiếp nối trị vì đất nước và 249 năm có mặt trên chính trường Đại Việt (1545 - 1788). Ông được vua Lê Anh Tông trọng dụng, gia phong chức Thượng tướng quân, Thái quốc công, tôn phong Thượng phụ... Công lao của Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm đối với đất nước đã được lịch sử đánh giá, ghi nhận. Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm đã cho đo đạc ruộng đất, lập chế độ thuế khóa, khuyến khích việc nông trang, chú ý tới phát triển nông nghiệp. Trên lĩnh vực giáo dục khoa bảng, Thái Vương Trịnh Kiểm đã mở khoa thi Sĩ vọng, mở các kỳ thi Hương... để chọn lựa hiền tài cho đất nước. Sau những năm tháng cống hiến cho dân, cho nước, ngày 18/2 năm Canh Ngọ (năm 1570), Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm tạ thế ở tuổi 68.
Kỷ niệm 451 năm ngày mất của Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm là dịp để lớp cháu con ôn lại những đóng góp của ông đối với đất nước. Dịp này, con cháu dòng họ Trịnh khắp cả nước và nhân dân địa phương lại tề tựu tại Khu di tích lịch sử quốc gia Phủ Trịnh để tham dự nhiều hoạt động tâm linh, văn nghệ, thể thao... với tấm lòng hướng về nguồn cội, tri ân tiên tổ.
Được biết, tỉnh Thanh Hóa đang khẩn trương triển khai Dự án tôn tạo Khu di tích lịch sử quốc gia Phủ Trịnh với quy mô 11,72ha, tổng mức đầu tư hơn 756 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách tỉnh là 304 tỷ đồng để đầu tư các hạng mục gồm: Phủ Từ, tả vu, hữu vu, cổng Phủ Từ, hồ nước, bể non bộ, nhà bia, sân lễ hội, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng… Vốn ngân sách huyện, vốn xã hội hóa và các nguồn huy động hợp pháp khác là hơn 452 tỉ đồng. Thời gian thực hiện đến hết năm 2023.
Tỉnh Thanh Hóa kỳ vọng tới đây, Khu di tích lịch sử quốc gia Phủ Trịnh cùng với Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc), Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (huyện Thọ Xuân), Lăng miếu Triệu Tường (huyện Hà Trung)… sẽ tạo thành tuyến, điểm du lịch văn hóa - lịch sử trọng điểm của tỉnh và của quốc gia.