(Baothanhhoa.vn) - Trong 3 ngày từ 7 đến 9-3 (tức 16 đến 18-2 âm lịch) tại Khu Di tích quốc gia Phủ Trịnh - Nghè Vẹt (xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc) tỉnh Thanh Hóa tổ chức thí điểm Lễ hội Phủ Trịnh. Lễ hội Phủ Trịnh năm 2023 được tổ chức nhằm tri ân, tưởng nhớ các nhân vật lịch sử đã có nhiều đóng góp trong lịch sử dân tộc; đồng thời bảo tồn và phát huy giá trị di sản, từng bước phát triển du lịch tại khu di tích Phủ Trịnh - Nghè Vẹt và các điểm du lịch phụ cận. Qua đó, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và Nhân dân trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.
Nói đến Lễ hội Phủ Trịnh chúng ta không thể không nhắc đến một nhân vật lịch sử, người con của đất Bồng Thượng xưa đã có công cùng với vua Lê giữ gìn cương thổ trong suốt 249 năm lịch sử dân tộc đã ghi nhận đó là Đức Minh Khang Thái vương Trịnh Kiểm - người sáng lập ra vương nghiệp nhà Trịnh, con cháu nối tiếp nhau giúp vua Lê điều hành đất nước.
Đức Minh Khang Thái vương Trịnh Kiểm sinh ngày 24-8 năm Quý Hợi (1503), niên hiệu Cảnh Thống thứ 6 đời vua Lê Hiến Tông, trong một gia đình nông dân nghèo ở Biện Thượng (nay là làng Bồng Thượng, xã Vĩnh Hùng, tỉnh Thanh Hóa), có truyền thống giàu lòng nhân nghĩa, luôn chăm lo điều thiện. Thái vương Trịnh Kiểm mồ côi cha từ thuở thiếu thời, đã từng đi ở đợ, nhưng là người có nghị lực, ông đã vượt lên những khó khăn của thời cuộc. Năm 1525, sau khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, Trịnh Kiểm đã đến Cổ Lũng (Bá Thước) theo Hưng Quốc công Nguyễn Kim dựng cờ phù Lê diệt Mạc, mong muốn đất nước thái bình. Do lập được nhiều chiến công, Thái vương đã được tin dùng, được vua Lê trao cho nhiều trọng trách. Theo sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn đã viết: “Trịnh Kiểm là người có tài năng kiến thức hơn người, yêu dân như con… Trịnh Kiểm giúp vua Lê, vì nhiều công lao đuợc phong làm Thái sư Lạng quốc công”.
Năm 1539, Thái vương Trịnh Kiểm đã phò giá vua Lê Trang Tông từ biên giới Việt Lào về sách Thủy Thuần (Cẩm Thủy) để lập căn cứ chống Mạc. Ông đã tích cực vận động các lang đạo ở miền Tây Thanh - Nghệ tăng cường lực lượng tích lũy lương thảo chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài. Trịnh Kiểm là người có công đầu trực tiếp chỉ huy quân đội, giải phóng Nghệ An, giúp vua Lê không phải lo lắng đến mặt Nam nữa mà tập trung lực lượng để khởi binh đánh Mạc.
Năm 1543, vua Lê Trang Tông từ miền Tây Thanh Hóa về xây thành Tây Đô, trước sức mạnh của quân nhà Lê, tướng Mạc giữ thành Tây Đô là Dương Chấp Nhất không dám chống cự đã đem quân ra cửa Nam Thành đầu hàng. Sau chiến thắng, Trịnh Kiểm được vua Lê phong tước Dực quận công, uy tín càng ngày càng vang xa.
Năm Bính Ngọ (1546), Trịnh Kiểm rút quân về Thanh Hóa lập hành điện ở Vạn Lại (nay thuộc xã Xuân Châu, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) để cho vua ở và dựng hành dinh ở xã Biện Thượng, chiêu mộ hào kiệt luyện tập quân sĩ tích trữ lương thảo để lo việc nước.
Trong những ngày đầu trung hưng gian khổ, Trịnh Kiểm đã đầu quân trong đội quân trung hưng của nhà Lê và dưới sự chỉ đạo của Hưng quốc công Nguyễn Kim. Sau đó vua Lê và Nguyễn Kim lại tin tưởng giao cho Trịnh Kiểm cùng một số tướng lĩnh khác cầm quân bản bộ chia các mũi đánh vùng Lôi Dương và các vùng phụ cận nhằm giải phóng Tây Kinh. Trước sức tấn công quyết liệt của quân nhà Lê, quân Mạc phải rút chạy khỏi địa bàn huyện Lôi Dương.
Năm Mậu Ngọ (1558), Thái vương Trịnh Kiểm dâng biểu lên vua Lê Anh Tông đưa Nguyễn Hoàng (em rể ông) vào trấn thủ Thuận Hóa. Với tài năng dũng lược của mình, Nguyễn Hoàng đã góp phần quan trọng cho sự phát triển ở Đàng Trong và đặt nền móng cho sự thống nhất đất nước.
Có thể nói, tuy là người xuất thân từ tầng lớp dân nghèo cùng khổ, quá trình chiến đấu gian khổ, một lòng tận trung với nước, tận nghĩa với dân, Thái vương Trịnh Kiểm đã trở thành một vị tướng tài, được quân sĩ mến mộ. Ông là người mưu lược, biết sắp xếp kế sách chống Mạc, biết trù tính kế hoạch lâu dài cho đất nước, khiến cho thế lực nhà Lê ngày một mạnh. Tuy ở cương vị của một người “Quyền khuynh thiên hạ”, phong đến chức Thái vương, làm Đô tướng tiết chế các xứ thủy bộ, tước Thái sư Lạng quốc công… Trịnh Kiểm vẫn một lòng trung thành với nhà Lê, không hề có ý soán đoạt ngôi vua. Cũng từ nhân cách cao thượng như vậy, Thái vương Trịnh Kiểm đã dần dần thu phục được kẻ sĩ trong thiên hạ như Phùng quốc công Lê Bá Ly, Trạng nguyên Nguyễn Thiếu, Đoan quốc công Nguyễn Khải Kháng…, các danh sĩ nổi tiếng như: Lương Hữu Khánh, trạng Bùng Phùng Khắc Khoan…
Ngay trong khói lửa của chiến tranh Trịnh Mạc, Thái vương Trịnh Kiểm vẫn luôn chăm lo tới công việc triều chính. Ông đã cho đo đạc ruộng đất, lập chế độ thuế khóa, khuyến khích việc nông trang, chú ý tới việc phát triển nông nghiệp. Trên lĩnh vực giáo dục khoa bảng, Thái vương Trịnh Kiểm đã cho mở khoa thi Sĩ vọng, mở các kỳ thi Hương… để chọn lựa hiền tài, tạo kế sâu rễ bền gốc lâu dài. Ông còn chú trọng mở rộng bang giao với Ai Lao để giữ yên mặt Tây cho đất nước.
Với những cống hiến xuất sắc của Thái vương Trịnh Kiểm đối với vương triều Lê và trong công cuộc xây dựng đất nước, vua Lê Anh Tông đã phong tước cho ông chức Thượng tướng quân, Thái quốc công, tôn phong Thượng phụ. Sau những năm tháng cống hiến không biết mệt mỏi vì dân vì nước, ngày 18-2 năm Canh Ngọ (1570), Đức Thái vương tạ thế ở tuổi 68, là một tổn thất hết sức to lớn với triều đình, Thái vương là người mở đầu cho 12 đời chúa Trịnh với 249 năm có mặt trên chính trường Đại Việt với nhiều đóng góp to lớn cho đất nước.
Di tích Phủ Trịnh gắn với lễ hội thờ Minh Khang Thái vương Trịnh Kiểm - người có công sáng lập ra vương nghiệp nhà Trịnh, lập nên một thể chế chính trị đặc biệt: Vua - chúa cùng điều hành đất nước, “vua trị vì, chúa chấp chính”. Hàng năm, cứ đến ngày giỗ chúa Trịnh Kiểm (18-2 âm lịch) con cháu dòng họ Trịnh cùng Nhân dân, du khách thập phương lại hướng về nguồn cội, dâng hương chiêm bái, tri ân tiên tổ.
Di tích Phủ Trịnh được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích Lịch sử Quốc gia năm 1995. Trong lịch sử, Phủ Trịnh được xây dựng trên diện tích khoảng 10 ha, gồm có các hệ thống cung điện, đền đài khá hoàn chỉnh làm nơi thờ tự tổ tiên, nơi đặt hành dinh, nơi ăn ở của các chúa Trịnh (phủ từ, khu nội phủ, hành doanh, khu làm việc của các quan, khu thờ cúng, khu vườn hoa, bàn cờ…). Từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII, nơi đây được coi là hành dinh thứ 2 của nhà Trịnh sau Phủ Liêu ở Thăng Long, đồng thời cũng là công trình kiến trúc tiêu biểu của thời kỳ Lê - Trịnh trên vùng đất xứ Thanh.
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Thanh Hóa, các ngành chức năng, trong vài thập kỷ gần đây, việc bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử Quốc gia Phủ Trịnh có nhiều khởi sắc. Dự án tôn tạo khu di tích Phủ Trịnh được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt từ năm 2015. Đến năm 2019, dự án được HĐND tỉnh Thanh Hóa điều chỉnh chủ trương đầu tư (từ 3,84 ha lên 13,06 ha). Tổng nguồn vốn thực hiện dự án hơn 756 tỷ đồng, trong đó ngân sách của tỉnh là 304 tỷ đồng, vốn ngân sách huyện Vĩnh Lộc là hơn 71 tỷ đồng, vốn xã hội hóa và các nguồn huy động khác là hơn 380 tỷ đồng.
Trong tương lai không xa, quần thể Di tích lịch sử văn hóa Phủ Trịnh được xây dựng hoàn chỉnh, sẽ trở thành điểm hẹn của du khách muôn phương, là niềm tự hào của quê Thanh. Khi được kết nối cùng với các di tích trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc như Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, thắng tích Kim Sơn, động Hồ Công..., sẽ tạo nên một tour du lịch lý tưởng, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Rồi đây Khu di tích Lịch sử Quốc gia Phủ Trịnh cùng với di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ (Vĩnh Lộc), Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân), lăng miếu Triệu Tường (Hà Trung)… sẽ tạo thành tuyến, điểm du lịch văn hóa - lịch sử trọng điểm của tỉnh và của quốc gia, là nguồn lực để góp phần xây dựng huyện Vĩnh Lộc ngày càng phát triển.
Nguồn: Tô Hà - baothanhhoa.vn