TRỊNH VĂN BÔ – “KHI CẦN NUÔI NỀN ĐỘC LẬP
THÌ HIẾN TẤT CẢ”
Nhà báo Nguyễn Quốc Tín
Cách mạng Tháng Tám (1945) thành công. Một đất nước suốt 80 năm quằn quại trong chế độ thuộc địa đã “rũ mình đứng dậy sáng lòa” (Nguyễn Đình Thi). Song Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ ngay lập tức phải đối mặt với một khó khăn “đầu tiên” vô cùng nan giải, đó là… tiền đâu để chi dùng vào những việc cấp bách. Kho bạc Nhà nước còn tồi tệ hơn cả trống rỗng: tiếng là còn 1,2 triệu đồng Đông Dương (tính cả số tiền rách nát chờ thu đổi), nhưng thực tế là bị “âm”, do chính quyền cũ để lại một khoản nợ lên tới 564 triệu đồng, cần phải thanh toán vì đã đến kì đáo hạn.
Vậy mà có biết bao việc đặt ra cần đến tiền, từ việc khắc phục nạn đói và lũ lụt trước mắt, đến việc xây dựng hệ thống chính quyền từ trung ương đến địa phương, từ việc khai giảng năm học mới đến việc triển khai lực lượng quân sự đối phó với thù trong giặc ngoài…
Quỹ Độc lập và Tuần lễ Vàng
May mắn thay, việc giải quyết khó khăn đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề xuất một giải pháp thần kì mà vô cùng hữu hiệu: dựa vào sức mạnh của toàn dân. Tục ngữ có câu: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Cụ Hồ đã cụ thể hóa chân lí đó bằng hai hình thức để dân tham gia, dân “liệu” giúp Chính phủ trong lúc khó khăn nhất: Quỹ Độc lập và Tuần lễ Vàng. Hai ngày sau khi Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam mới được phát ra toàn thế giới, Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã thay mặt Chính phủ kí Sắc lệnh số 4 lập “Quỹ Độc lập” với mục đích “thu nhận các món tiền và đồ vật của nhân dân sẵn lòng quyên giúp Chính phủ để ủng hộ nền độc lập của Quốc gia”. Tiếp đó, cũng trong khuôn khổ Quỹ Độc lập, Chính phủ phát động “Tuần lễ Vàng” trên khắp cả nước, từ ngày 17 đến ngày 24-9-1945.
Nhân dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho đồng bào toàn quốc nêu rõ mục đích của Tuần Lễ Vàng là “thu góp số vàng trong nhân dân và nhất là của các nhà giàu có để cúng vào việc cần cấp và quan trọng nhất của chúng ta lúc này là việc quốc phòng”. Đây là cơ hội để toàn dân, đặc biệt tầng lớp giàu có trong xã hội thể hiện lòng yêu nước của mình, chung tay xây dựng chế độ mới do chính mình làm chủ. Trong cả nước dấy lên một phong trào hưởng ứng Sắc lệnh của Chính phủ và lời kêu gọi của cụ Chủ tịch.
“Tuần lễ Vàng” diễn ra rất sôi nổi khắp cả nước, nhất là tại những thành phố lớn. Điểm thu nhận tiền bạc và hiện vật do toàn dân đóng góp mọc lên khắp nơi, thu hút mọi tầng lớp nhân dân. Những hiện vật được đánh giá chính xác bởi các chuyên gia kim hoàn, cân đong đo đếm cẩn thận, viết giấy biên nhận của chính quyền rồi niêm phong lại và nộp vào Kho bạc Nhà nước.
Chỉ trong một tuần, tính trên cả nước, Chính phủ đã huy động được tổng cộng 60 triệu đồng Đông Dương và 370 kg vàng. Riêng nhân dân Hà Nội đã góp được 2.201 lạng vàng, 920 tạ thóc và nhiều tiền bạc, hiện vật khác, tổng trị giá lên tới 7 triệu đồng. Thành phố Sài Gòn khi đó đã bị quân Pháp theo chân quân đội Đồng minh kéo vào chiếm đóng, nhưng nhân dân vẫn nhiệt tình hưởng ứng. Các cán bộ Việt Minh lặn lội băng rừng, vượt biển, len lỏi trong rừng sâu, ẩn nấp khỏi những trận càn của Pháp để cuối cùng, nhiều lạng vàng, tiền bạc và bảo vật mà nhân dân Sài Gòn nói riêng, Nam Bộ nói chung đóng góp đã được chuyển cho cách mạng đầy đủ.
Nhờ số tiền này, Chính phủ đã giải quyết được biết bao nhiêu việc khẩn thiết lúc bấy giờ. Không một xu bị tham ô. Tiền, vàng được sử dụng vô cùng hiệu quả. Chẳng hạn, 1000 cây vàng đã được dùng “lót tay” cho mấy viên tướng Tầu, để họ chấp thuận đưa 20 vạn quân Tưởng ra khỏi miền Bắc, để mua chui số vũ khí mà quân Nhật bại trận giao nộp cho bọn lính Tàu… Tiền cũng được dùng để may 20 vạn bộ quân trang và áo trấn thủ cho bộ đội, phục vụ buổi duyệt binh biểu dương lực lượng và nhiều việc khác nữa, trước hết là cứu đói và thành lập chính quyền các cấp…
Cảm động trước sự đóng góp của nhân dân, trong đó có sự đóng góp đặc biệt to lớn của giới công thương, Hồ Chủ tịch đã có cuộc gặp gỡ với đại diện các nhà công thương, đồng thời gửi thư biểu dương nhiệt tình và lòng yêu nước của họ. Ngày Người người gửi thư (13-10-1945) về sau được lấy làm Ngày Doanh nhân Việt Nam và được tổ chức kỉ niệm hằng năm.
Thành công của “Tuần lễ Vàng” đã cho thấy sức mạnh to lớn của lòng dân. Trong bối cảnh gieo neo, khó khăn thiếu thốn đủ đường ấy, nếu không có sự ủng hộ mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân, của giới công thương, tư sản dân tộc và các đại điền chủ... thì chính quyền cách mạng non trẻ khó có thể trụ vững trước những thử thách chồng chất lúc bấy giờ.
Đứng đầu danh sách những người đóng góp nhiều nhất vào Quỹ Độc lập là ông bà Trịnh Văn Bô, một nhà tư sản vốn nổi tiếng vì tấm lòng hào hiệp hiếm có ở trên đời.
Những hậu duệ giỏi làm kinh tế của chúa Trịnh Cương
An Đô Vương Trịnh Cương (1686-1729) – vị chúa Trịnh thứ 6 thời Lê Trung hưng, cầm quyền từ tháng 5 năm 1709 đến tháng 10 năm 1729. Ông là vị chúa duy nhất mà cuộc đời và sự nghiệp diễn ra trong thời thái bình, không hề có nạn binh đao. Chính vì thế mà ông càng dốc sức chăm lo việc nước. Sử chép: “Chúa làm được nhiều việc, pháp độ rất đầy đủ, kỉ cương thi hành tốt, các nước phương xa đến nạp cống, thượng quốc trả lại đất, đáng gọi là đời cực thịnh…”. An Đô Vương rất chú trọng việc tài chính. Ông từng ban hành hàng loạt cải cách thuế khoá, áp dụng cách tính thuế gọi là Tô dung điệu học của Trung Quốc nhằm hạn chế những bất công về thuế khoá từ đời trước, khiến cho dân chúng hồ hởi, an tâm làm ăn, đất nước cũng nhờ đó giàu mạnh hẳn lên. Với những gì làm được cho dân cho nước, chúa xứng đáng được xếp vào hàng những nhà kinh tế kiệt xuất của Việt Nam. Chẳng hiểu có phải được thừa hưởng “gen di truyền” của Ngài hay không mà vào đầu thế kỷ 20, nhiều con cháu của Chúa cũng trở thành những người rất giỏi làm kinh tế.
Hậu duệ thứ 9 của chúa Trịnh Cương là cụ Trịnh Văn Đường, từng đứng ra kinh doanh lập nhà buôn tơ lụa gây quỹ hoạt động cho Đông Kinh nghĩa thục. Sau trường bị thực dân Pháp ra lệnh đóng cửa, cụ Đường tiếp tục việc kinh doanh, dạy con cháu làm ăn và làm việc nghĩa. Từ những năm đầu thế kỉ trước, cụ đã sớm gây dựng được một sản nghiệp lớn nhờ vào tài năng, trí tuệ, sự cần cù, sáng tạo, thể hiện tinh thần vượt khó của giới công thương Việt Nam, bất chấp luật lệ hà khắc của thực dân Pháp.
Là chủ một hãng buôn vải vóc, tơ lụa lớn, chẳng những cụ làm kinh tế cho gia đình mình, mà còn đào tạo nên một thế hệ doanh nhân nổi tiếng như các ông Nguyễn Đức Mậu (hiệu Phát Đạt), Mai Bá Lân (hiệu Lợi Quyền), Vương Xuân Tọa (hiệu Lợi Hòa)... Theo nhà văn Sơn Tùng, vào đầu thế kỉ trước, khi cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh của Bác Hồ) ra Hà Nội gặp các nhân sĩ Bắc Hà để bàn chuyện quốc sự, cụ đã từng gặp gỡ cụ Trịnh Văn Đường. Khi trở về, cụ có kể với Nguyễn Tất Thành về tinh thần yêu nước của vị văn thân họ Trịnh. (Rất có thể đây là một trong những lí do khiến Bác đã đồng ý chọn gia đình ông Trịnh Văn Bô, một người con của cụ Đường, để làm nơi ở và làm việc trong suốt ba tuần đầu sau khi rời chiến khu về Thủ đô Hà Nội).
Cụ Đường sinh được ba người con. Cô con gái cả Trịnh Thị Thục ra ở riêng, cùng chồng mở hiệu buôn mang tên Phúc Đồng. Hai người con trai là Trịnh Văn Bính và Trịnh Văn Bô đều được hai cụ cho học trường Tây Albert Saraut ở Hà Nội, sau khi đỗ Tú tài lại được cho sang Pháp học lên. Ông Bính vào Cao đẳng Thương mại HEC tại Paris, là một trong số ít người Việt Nam được tuyển vào ngôi trường danh tiếng này. Sau ông theo học tài chính ở Đại học Oxford nước Anh. Về nước, ông được chính quyền thuộc địa trọng dụng, giao phụ trách ngành thuế Đông Dương.
Là một chuyên gia giỏi, sau Cách mạng Tháng Tám ông Bính được chính quyền cách mạng mời vào Ban kiến thiết đất nước và trở thành người hoạch định chính sách tài chính thuế khóa cho cả nước trong những ngày đầu của chính thể dân chủ nhân dân. Ông đã kinh qua những chức vụ quan trọng như Tổng Giám đốc Sở Thuế quan và Thuế gián thu, Tổng Giám đốc Quốc gia Ngân hàng, và Thứ trưởng Bộ Tài chính trong suốt 30 năm. Ông Bính nổi tiếng là người thanh liêm chính trực. Bộ trưởng Bộ Tài chính đương thời là Lê Văn Hiến từng đánh giá: “Linh hồn của nền Tài chính cách mạng là anh Trịnh Văn Bính”. Sau này, một Bộ trưởng khác là Hồ Tế cũng khẳng định: “Trong suốt 9 năm Kháng chiến, cũng như những năm xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, ông Bính là người có chuyên môn tài chính giỏi nhất, uyên bác và sâu rộng nhất”…
Bấy giờ cụ Trịnh Văn Đường đã già. Sợ cơ ngơi mình gồm những cửa hàng tơ lụa dày công gây dựng không có ai chăm sóc, hai cụ gọi ông Bô về nước. Ông được hai cụ kén cho một cô gái giỏi giang, lại môn đăng hậu đối – cô Hoàng Thị Minh Hồ – ái nữ cụ Hoàng Đạo Phương và là cháu gọi cụ Hoàng Đạo Thúy là chú ruột. Cưới xong, ông Bô được cha mẹ giao cho thừa kế ngôi nhà 48 Hàng Ngang, cửa hiệu Phúc Lợi và coi sóc các mối làm ăn của gia đình.
Đôi vợ chồng trẻ không hổ danh là con cháu họ Trịnh. Họ dốc sức tìm những phương cách làm ăn mới, phát triển thị trường, xây dựng cơ sở sản xuất, vươn ra hoạt động tại nước ngoài, nên chỉ trong khoảng 15 năm, từ số vốn 30.000 đồng Đông Dương khởi nghiệp, đã làm khối tài sản gia đình tăng lên gấp nhiều lần, trở thành một nhà giàu có nhất nhì Hà Nội. Hiệu buôn Phúc Lợi sản xuất và buôn bán tơ lụa sang các nước Đông Dương (Lào, Campuchia), Thái Lan, thậm chí giao dịch buôn bán với các thương nhân Pháp, Anh, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản…
Ông bà Trịnh Văn Bô luôn ghi nhớ và thực hiện những nguyên tắc sống mà cha mẹ dặn: “Làm ra được 10 thì chỉ giữ lại cho mình 7 phần, còn 3 phần làm việc phúc đức. Như thế mới lâu bền”. Họ được mọi người biết đến như những nhà từ thiện thường xuyên xuất hiện mỗi khi cần. Thật khó có thể kể hết những việc làm nhân đức của họ. Chẳng hạn, ông bà đã bỏ tiền ra mua nhiều chiếc tiểu để tập hợp hài cốt vô thừa nhận khi di dời nghĩa trang Nghĩa Dũng; góp tiền ủng hộ các gia đình là nạn nhân máy bay Đồng minh trong các cuộc không kích quân đội Nhật ở Đông Khê, Thất Khê; trợ giúp đồng bào bị lũ lụt ở Hưng Yên; cấp chăn cho trẻ em nghèo trong mùa rét. Nạn đói khủng khiếp năm 1945, ông bà đã nhiều lần xuất kho cứu đói cho những người tha hương cầu thực khắp nơi đổ về Hà Nội…
Đến với cách mạng như một lẽ đương nhiên
Hai cụ Trịnh Văn Đường và Hoàng Đạo Phương rất tâm đầu ý hợp, đến mức trở thành “thông gia kép” của nhau: Có hai cô con gái nết na nhất, cụ Phương đều gả cho hai cậu con trai tài năng của cụ Đường. Việc này có lí do của nó: Hai cụ là láng giềng lâu năm (nhà cách nhau chỉ 100 mét trên hai con phố liền kề), đều là văn thân yêu nước từng tham gia Đông Kinh nghĩa thục, cùng bị Pháp bắt bớ, giam cầm vì những hoạt động trong phong trào này. Phong trào bị tan rã, bất lực trước thời cuộc, hai cụ luôn nung nấu trong lòng nỗi khát khao giành độc lập cho đất nước. Tâm nguyện của các cụ qua thái độ hàng ngày đã tác động đến cả gia đình, biến thành tâm niệm canh cánh trong lòng những người con. Bà Hồ thường hay nhắc câu nói của cụ Phương những dịp con cái trong gia đình có mặt đông đủ: “Việc nước cha chưa làm tròn, giờ cha đã già, sau này con nào có điều kiện thì giúp nước thay cha”. Lúc nào ông bà Bô cũng đinh ninh lời dặn dò tha thiết ấy, nên sự hòa nhập vào phong trào cách mạng của gia đình – cũng như các nhà tư sản Đỗ Đình Thiện, Nguyễn Sơn Hà, Ngô Tử Hạ và nhiều người khác nữa – như một lẽ đương nhiên.
Năm 1944, thông qua những cán bộ cộng sản hoạt động bí mật ở nội thành, ông bà Bô được biết đến Mặt trận Việt Minh do nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc lãnh đạo (người mà khi ở Pháp ông Bô đã nghe danh). Và ông đã bí mật tham gia. Ngôi nhà ở và buôn bán của ông bà được coi như một “địa chỉ đỏ” của cách mạng, nơi che giấu những cán bộ hoạt động trong lòng địch. Hãng buôn Phúc Lợi trở thành cơ sở cung cấp tài chính cho Việt Minh trong thời kỳ thực dân Pháp và phát xít Nhật khủng bố ráo riết những người ủng hộ phong trào. Từ đó, nguyên lí kinh doanh của ông bà (Buôn bán 10 đồng thì giữ lại 7...) đã được thêm một vế nữa: “Khi cần nuôi nền độc lập thì hiến tất cả”!
Ngày 19-8-1945, Hà Nội khởi nghĩa thắng lợi. Chỉ vài ngày sau, ngôi nhà của ông bà vinh dự đón một vị khách đặc biệt: cụ Hồ Chí Minh, Chủ tịch Chính phủ lâm thời ở chiến khu về. Việc nuôi giấu cán bộ Việt Minh trong nhà lúc đó là một sự mạo hiểm, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng. Thế nhưng, khi được đề nghị để cụ Hồ về ở, ông bà Trịnh Văn Bô đã hồ hởi nhận lời, không một chút băn khoăn. Toàn bộ ngôi nhà (trừ tầng 1 vẫn buôn bán bình thường để che mắt bọn phản động) được bố trí làm nơi ở và làm việc của Hồ Chủ tịch cùng các vị trong Thường vụ Trung ương Đảng, như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Hoàng Quốc Việt, Bùi Công Trừng... Tất cả có đến 15 người!
Với sự bảo vệ, chăm sóc của chủ nhà, tại một gian phòng thiếu ánh sáng trên gác 2, Hồ Chủ tịch đã viết bài diễn văn bất hủ – bản Tuyên ngôn Độc lập – khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chấm dứt chế độ quân chủ kéo dài hàng nghìn năm và ách đô hộ gần 100 năm của thực dân Pháp, mở ra trang sử mới cho dân tộc.
Trong khi ông Bô bận rộn với cương vị Phó chủ tịch Ủy ban hành chính Hà Nội, lo việc tổ chức chính quyền thì bà Hồ được cử vào Ban vận động Tuần lễ Vàng. Vốn khéo ăn khéo nói, bà tất bật ngày đêm đến nhà từng bạn bè quen biết nói về ý nghĩa của việc mỗi người đều tham gia đóng góp trước sự tồn vong của đất nước. Không chỉ vận động người khác, bản thân bà và gia đình nội ngoại đều hăng hái ủng hộ những khoản lớn để làm gương.
Với uy tín và quan hệ rộng trong giới kinh doanh của bà Hồ, người ta ước tính các “động thái” của bà đã giúp huy động thêm cho Nhà nước số tiền và vàng trị giá trên 1.000 lạng vàng quy đổi.
Riêng gia đình ông bà Trịnh Văn Bô, tổng cộng những lần giúp đỡ, ủng hộ cách mạng dưới dạng tiền bạc, kim loại quý, bất động sản, v.v... đã đóng góp cho Nhà nước tới 5.147 lạng vàng quy đổi, nhiều gấp đôi ngân khố của Chính phủ lúc bấy giờ. (Đây là theo thống kê chính thức của Bộ Tài chính).
Một điều cũng rất có ý nghĩa là y phục cho lễ ra mắt của Chính phủ lâm thời trong ngày Lễ Độc lập, hầu hết đều do gia đình ông bà lo liệu. Các ông Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trần Huy Liệu... xuất hiện trên lễ đài trong những bộ y phục của ông Trịnh Văn Bô... Bộ quần áo Bác mặc thì được may đo bằng loại vải của cửa hàng Phúc Lợi, có màu rất nhã do chính bà Hồ lựa chọn; bộ trang phục đó được Bác rất ưng ý và đã trở thành mẫu lễ phục của Người trong hơn hai chục năm trời. Những buổi Hồ Chủ tịch tiếp đãi các viên tướng Tàu, thiếu tá Patti, một người bạn Mỹ trong phe Đồng minh... được tổ chức với bàn tay bếp núc điêu luyện của bà Hồ.
Với sự khuyến khích của ông Nguyễn Lương Bằng – Trưởng Ban Tài chính của Đảng lúc bấy giờ, ông Trịnh Văn Bô đã cùng với một số nhà tư sản yêu nước khác đứng ra xây dựng Việt Nam Công thương ngân hàng nhằm điều phối công tác tín dụng, thay thế cho Ngân hàng Đông Dương của Pháp.
Đấy là về công khai, trong thực tế, ông bà còn như một thứ “Ngân hàng riêng của Bác” nữa. Chuyện kể rằng, một hôm đã khuya vào năm 1946, ông Nguyễn Lương Bằng đến gõ cửa hiệu buôn Phúc Lợi ở 48 Hàng Ngang. Ông nói nhỏ với bà Hồ:
- Bác cần ít vàng để mua lại kho súng của quân Nhật bàn giao cho bọn Tàu Tưởng ở Chèm. Chị giúp Bác.
Bà Hồ sốt sắng:
- Độ bao nhiêu lạng hả anh?
- Vài chục.
Bà Hồ mở tủ két, lấy 50 lạng vàng gói vào giấy báo, trao cho ông Bằng và bảo:
- Anh thưa với Bác, nếu cần gì, Bác cứ cho gọi.
Ông Bằng cùng người bảo vệ lên xe đạp đèo nhau mang vàng về.
Chuyện xảy ra chỉ trong ít phút. Bà Hồ chi một số tiền lớn cho cách mạng mới kiệm lời và đơn giản về “thủ tục” làm sao! Người ta bảo gia đình ông bà là “Ngân hàng riêng của Bác” chính là vì thế. Song khác với các ngân hàng thông thường, ngân hàng này không huy động vốn, chỉ chi ra, không đòi lại cả vốn lẫn lãi. Đó là ngân hàng của tinh thần yêu nước, của khối Đại đoàn kết toàn dân. Chẳng biết trên thế giới này còn có một ngân hàng nào như thế không.
*
* *
Độc lập chưa được bao lâu, thực dân Pháp gây hấn nhằm tái chiếm Đông Dương. Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, bà Hồ dẫn hơn chục thành viên trong gia đình tản cư lên Cao Bằng, còn ông Trịnh Văn Bô công tác trong Chính phủ kháng chiến tại Việt Bắc. Ở hoàn cảnh trăm bề gian khổ, bà Hồ vẫn tự tin lo liệu được cho cả gia đình đủ ăn, đủ mặc dù rất thiếu thốn. Từ một người phụ nữ quyền quý đất Hà thành, bà lao động vất vả nuôi lợn, trồng rau muống, bán chè… để kiếm tiền nuôi nấng các con.
Sau những năm kháng chiến gian nan, năm 1955, gia đình ông bà trở về Hà Nội. Ông Trịnh Văn Bô được phân công giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính Hà Nội cho đến khi nghỉ hưu. Ông qua đời năm 1988, thọ 74 tuổi. Bà Hoàng Thị Minh Hồ năm 1914 này đã đi trọn một thế kỉ ở tuổi 100. Tiệm vải Phúc Lợi số 48 Hàng Ngang của hai ông bà năm nào, giờ đã trở thành Di tích lịch sử đón khách đến thăm quan. Tới đây, bạn sẽ được giới thiệu các di vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phảng phất như được thấy hình ảnh Bác đang suy tư, cân nhắc từng chữ khi viết Tuyên ngôn Độc lập và được sống lại những giây phút hào hùng của Lịch sử. Ẩn hiện trong từng góc nhà, từng sự kiện những năm tháng đó là hình ảnh của hai ông bà chủ nhà lặng lẽ chăm lo cho vị Chủ tịch những điều kiện tốt nhất để dẫn dắt quốc dân đồng bào vượt qua mọi ghềnh thác cách mạng…
Trích "Những gương mặt không thể nào quên, NXB Kim Đồng, Hà Nội, 2014.