21 Tháng 12 2024

TRỊNH ĐÌNH KÍNH - ÔNG HOÀNG THỦY TINH XỨ ĐÔNG DƯƠNG

TRỊNH ĐÌNH KÍNH (1886-)

 ÔNG HOÀNG THỦY TINH XỨ ĐÔNG DƯƠNG

Nhà báo Nguyễn Quốc Tín

        Hôm ấy, ở nhà Gô-đa trên phố Tràng Tiền(1) diễn ra một cuộc thử sản phẩm đầy ấn tượng. Sản phẩm là những chiếc ly của xưởng thủy tinh Thanh Đức ở phố Hàng Bồ, do ông chủ Trịnh Đình Kính đem đến chào hàng. Theo yêu cầu của viên quản lí, người ta ngâm những chiếc ly đó vào chậu nước đá, sau đó lấy ly ra, để vào một chiếc chậu khô rồi dội nước sôi lên. Trước sự ngạc nhiên của mọi người, không một chiếc ly nào bị vỡ, hoặc bị rạn nứt dù chỉ một vết nhỏ. Điều khó có thể tin với đồ thủy tinh nội địa!…

        Hồi đầu thế kỉ 20, thủy tinh còn là của quý hiếm, các xưởng thủy tinh trong nước chỉ sản xuất được những mặt hàng đơn giản; đồ thủy tinh cao cấp, nhất là pha lê, đều phải nhập từ “mẫu quốc”. Một trong những hạn chế cơ bản của thủy tinh nội là không chịu được nhiệt, gặp nước sôi là nứt vỡ ngay. (Người ta cũng làm đủ cách để hóa giải vấn đề, như ngâm ly thủy tinh trong nước nóng dần, cho đến khi quen được với nước nóng già. Nhưng như thế cũng không có gì là chắc chắn; nhiều khi vào một ngày đẹp trgiời nào đấy, vừa đổ nước nóng vào, chiếc ly vỡ ngay.) Vì thế mà một cửa hàng sang trọng như Gô-đa không đời nào nhận bán đồ thủy tinh nội địa.

        Nhưng rồi Chiến tranh thế giới thứ nhất xảy ra. Là một nước tham chiến, nước Pháp bị nhiều thiệt hại, kinh tế sa sút, sản xuất hàng hóa bị đình trệ… Nguồn hàng xuất khẩu, trong đó có thủy tinh, sang Đông Dương không còn. Chỉ đến khi ấy, nhà hàng Gô-đa mới tính chuyện khai thác sản phẩm nội địa. Tuy nhiên, yêu cầu về chất lượng vẫn phải bảo đảm, vì vậy mới có việc thử sản phẩm nói trên…

 

Khởi đầu bằng chân “tài chạp”

Trịnh Đình Kính, chủ xưởng thủy tinh Thanh Đức vốn thuộc dòng dõi chúa Trịnh: Ông là cháu chín đời của chúa Trịnh Căn, vị chúa được xem là có công đưa đất nước vào thời kì phát triển phồn thịnh sau nhiều năm binh lửa. Tuy nhiên, ông đã có một tuổi thơ không hề dễ dàng.

Trịnh Đình Kính sinh năm 1886 tại làng Đôn Thư, xã Kim Thư, huyện Thanh Oai, thuộc tỉnh Hà Tây cũ. Thân sinh ra ông, cụ Trịnh Đình Thành, là một nghĩa quân của cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy trong phong trào Cần Vương chống Pháp. Khi quân nhà thua trận, cụ Thành đã ôm tráp quân cơ nhảy xuống sông Cái tự vẫn để giữ khí tiết và mang theo những bí mật không để rơi vào tay giặc.

Cha mất, mẹ ông được gia đình nhà chồng cho phép đi bước nữa, nhưng không được mang theo con. Bà đành rời quê ra Hà Nội với người chồng mới, để hai con lại với Trịnh gia. Năm lên 10 tuổi, nhớ mẹ không chịu nổi, ông cùng em gái dắt nhau ra Hà Nội đi tìm mẹ, dù không biết mẹ ở đâu. Nhưng mẹ chưa tìm được, em gái đã bị mẹ mìn bắt mang đi mất tích. Cho tới cuối đời, khi đã là một ông chủ thành đạt, dù đã tìm hết cách, ông Trịnh Đình Kính vẫn mang nỗi đau để lạc mất em.

Nhưng trước mắt, cậu phải lo kiếm sống cái đã. Hằng ngày, cậu Kính đi gánh thuê than xỉ từ các lò nấu thủy tinh của người Tàu ở phố Hàng Bồ đến đổ ở hồ Sao Sa để đổi lấy chút tiền công. (Bấy giờ hồ Sao Sa nằm ở khu vực phố Hàng Giày ngày nay; sở dĩ gọi thế là vì tương truyền ngày xưa có một mảnh sao băng rơi xuống tạo thành hồ).

Trong số những ông chủ người Hoa khi ấy có một người gọi là thầy Quảng. Ông người Phật Sơn, Trung Quốc, vốn là một kẻ giang hồ võ nghệ cao cường. Do có ý chống Thanh phục Minh, thầy Quảng bị triều đình Mãn Thanh truy tìm. Ông trốn sang Việt Nam, mang theo nghề làm thủy tinh và mở xưởng ở phố Hàng Bồ. Ngày lại ngày, chứng kiến cảnh cậu bé cần mẫn gánh xỉ, thầy Quảng nhận thấy ý chí của cậu và đem lòng yêu quý. Thầy nhận Kính vào làm tài chạp.

Học nghề thủy tinh phải qua ba bước: tài chạp (giúp việc), học xí (thổi thủy tinh) rồi mới đến thợ. Từ chỗ được thầy Quảng nhận vào làm tài chạp khi mới 10 tuổi, Trịnh Đình Kính lần lượt qua các bước rồi trở thành thợ. Nhờ sự khéo léo, thông minh và trung thực, anh được ông thầy người Hoa nhận làm con nuôi và truyền nghề cho.

        Hồi đó ở phố Hàng Bồ có các lò thủy tinh như Vinh Dụ, Vinh Hòa, tất cả đều của người Hoa. Sản phẩm thủy tinh khi ấy khá nghèo nàn cả về chủng loại và kiểu dáng, quanh đi quẩn lại cũng chỉ có bóng đèn thuốc phiện, bóng đèn sợi đốt (bóng điện hai dây), chai lọ đựng kẹo và “thông phong” – bóng đèn dầu hỏa còn gọi là đèn hoa kì.

Sau 18 năm lăn lộn với nghề, Trịnh Đình Kính đã tiếp thu được hầu hết kiến thức về thủy tinh, từ đắp lò nấu, làm khuôn hàng, kĩ thuật thổi thủy tinh… đến bí quyết pha màu thổi thủy tinh màu xanh. Ông nuôi ý tưởng mở một xưởng thủy tinh của riêng mình. Bước đầu, với số vốn không nhiều, ông hợp tác với một người bạn mở một xưởng sản xuất thủy tinh. Sau đó không lâu, người bạn tự rút lui và ông trở thành chủ nhân của xưởng Thanh Đức, đặt tại 65 Hàng Bồ. Bấy giờ là năm 1914, Trịnh Đình Kính mới 28 tuổi.

 Ông chủ xưởng Thanh Đức

Là chủ của chính mình, Trịnh Đình Kính khát khao làm ra những sản phẩm thủy tinh với mẫu mã đẹp và chất lượng cao. Nhưng thời gian đầu, xưởng Thanh Đức cũng chỉ sản xuất các mặt hàng “truyền thống”: đèn, chai lọ các loại… Chính vì thế mà quanh đi quẩn lại cũng chỉ bán được cho tầng lớp bình dân, không với được tới giới thượng lưu và nhất là người Pháp. Những người này chỉ quen dùng hàng thủy tinh của Pháp, nhập từ “mẫu quốc”.

Chiến tranh thế giới thứ nhất xảy ra, sản phẩm thủy tinh của Pháp không còn đường vào Đông Dương. Nắm bắt cơ hội, Trịnh Đình Kính quyết vươn lên chiếm lĩnh thị trường. Ông chủ trương đầu tư chiều sâu cho mẫu mã và chất lượng sản phẩm. Đặc biệt là phải làm sao khắc phục được hạn chế cố hữu của thủy tinh nội là bị nứt vỡ khi gặp nước nóng.

Tìm hiểu nguyên nhân, Trịnh Đình Kính nhận ra mấu chốt vấn đề là ở  chỗ hàng thủy tinh của mình có mật độ không đồng đều. Vì thế khi gặp nước nóng, chiếc ly sẽ có độ giãn nở khác nhau ở những chỗ có mật độ khác nhau, dẫn đến nứt vỡ. Mà mật độ không đồng đều là do trong thủy tinh nấu chảy có lẫn các bọt khí. Trịnh Đình Kính quyết định khi nấu thủy tinh phải tách riêng các phần ra: phần thủy tinh bên trên có bọt, dùng để làm loại hàng thường; còn phần thủy tinh đọng phía dưới, không bị lẫn bọt, để làm loại hàng cao cấp – những chiếc ly chịu được nước sôi. Việc phân cấp này không chỉ giúp ông giải quyết bài toán “ly vỡ”, mà còn tận dụng được nguyên liệu, sản phẩm làm ra đáp ứng được nhiều nhu cầu khác nhau của người tiêu dùng. Kết quả là nhà Gô-đa đã kí hợp đồng với xưởng Thanh Đức, và thông qua nhà Gô-đa, sản phẩm thủy tinh Thanh Đức bắt đầu xâm nhập Đông Dương.

*

*  *

Trịnh Đình Kính là người có tư duy chiếm lĩnh không biết đâu là cùng. Thời đó, thổi thủy tinh màu xanh là bí quyết riêng của người Hoa, Trịnh Đình Kính đã may mắn học được từ thầy Quảng. Tuy nhiên, ông không muốn chỉ có một màu xanh duy nhất ấy. Vì vậy, ông tìm tòi, nghiên cứu để chế tạo ra thủy tinh với nhiều màu và hoa văn khác nhau. Thông qua nhà Gô-đa và một số cửa hàng lớn khác, những người Pháp và người giàu có tại Việt Nam bắt đầu quen với nhãn hiệu Thanh Đức. Các bệnh viện và viện Pasteur ở Hà Nội, Sài Gòn cũng đặt Thanh Đức sản xuất các sản phẩm thủy tinh đựng thuốc và dùng cho phòng thí nghiệm. Rồi cả các nước thuộc địa của Pháp cũng đặt hàng trực tiếp với ông.

Đơn đặt hàng ngày càng nhiều, mặt hàng cũng ngày càng phong phú và phức tạp hơn. Thanh Đức là xưởng đầu tiên cho ra đời các mặt hàng trước đó chưa hề có trên thị trường Việt Nam: những bóng đèn lớn với đường kính tới 45 cm, những sản phẩm thủy tinh màu trắng sứ, sản phẩm thủy tinh có khắc hoa văn… Không chỉ chế tạo được máy vẽ hoa văn trên thủy tinh, Trịnh Đình Kính còn thử nghiệm thành công công nghệ mới cho ngành thủy tinh lúc bấy giờ: công nghệ gọt thủy tinh. Với việc ứng dụng công nghệ mới này, ông đã làm một cuộc cách mạng thực sự trong ngành thủy tinh khi đó. Những thành công của Trịnh Đình Kính đã khiến cho người Pháp phải từ bỏ ý định đưa sản phẩm thủy tinh của họ quay lại thị trường Đông Dương. Đồng thời, trước sự lớn mạnh của Thanh Đức, các xưởng thủy tinh của người Hoa tại Việt Nam dần dần rút lui, trong khi các xưởng thủy tinh của người Việt mọc lên như nấm. Dễ hiểu là chủ của các xưởng mới này đều trưởng thành từ Thanh Đức…

Sản phẩm thủy tinh Thanh Đức đã 16 lần được tặng huy chương vàng tại các hội chợ Đông Dương. Trịnh Đình Kính – ông chủ của nó – được giới doanh thương phong danh hiệu “ông hoàng thủy tinh xứ Đông Dương”. Với tất cả những gì làm được, Trịnh Đình Kính đã được vua Bảo Đại tặng Nam Long Bội tinh vì đã có công làm rạng danh người Việt.

 Nhà tư sản công dân

Là người có ý thức dân tộc vô cùng mạnh mẽ trong kinh doanh sản xuất, Trịnh Đình Kính cũng là người rất có tinh thần yêu nước, thương nòi. Nạn đói năm 1945, ông đã cùng nhiều nhà tư sản dân tộc bỏ tiền, vàng ra cứu đói cho dân. Bản thân ông đã mang hai vạn đồng Đông Dương và gạo về quê cứu giúp người nghèo. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông là một người tích cực ủng hộ chế độ mới bằng nhiều hành động cụ thể: ủng hộ vàng trong Tuần lễ vàng, đón tiếp các đại biểu Quốc hội trong các kì hội họp. Ngày đó, chính phủ còn nghèo, cơ sở vật chất không có gì. Mỗi khi họp Quốc hội thì phải nhờ đến các nhà tư sản lo chỗ ăn chỗ ở cho các đại biểu. Nhà ông Trịnh Đình Kính chính là một trong những nơi đón tiếp nhiều đại biểu Quốc hội ra Hà Nội họp, và người nhà cũng lo nấu ăn cho họ luôn. Khi thực dân Pháp tăng cường gây hấn, cuộc kháng chiến có thể nổ ra bất cứ lúc nào, ông bỏ tiền riêng mua vũ khí để trang bị cho các công nhân của mình ở xưởng thủy tinh Thanh Đức, sẵn sàng tham gia bảo vệ Thủ đô.

Chính vì vậy, năm 1947 Trịnh Đình Kính bị Pháp bắt giam nhiều ngày ở Hỏa Lò vì “tội” ủng hộ Việt Minh. Nhưng ông vẫn một lòng hướng về kháng chiến. Năm 1951, ông mở xưởng sản xuất giày cao su hiệu Con Nghê, rồi sản xuất giày vải cho bộ đội. Hòa bình lập lại, thời gian đầu Thanh Đức vẫn tiếp tục duy trì hoạt động, làm đồ thủy tinh cho các cửa hàng mậu dịch. Không lâu sau, cơ sở sản xuất của Trịnh Đình Kính trở thành tài sản của Nhà nước, những người thợ do ông đào tạo chuyển sang làm trong ngành thủy tinh.

Với tất cả những gì đã làm trong suốt cuộc đời mình, Trịnh Đình Kính thật xứng đáng với danh hiệu “ông hoàng thủy tinh xứ Đông Dương” mà người đời đặt cho ông. Khác với các ông hoàng được hưởng ngôi vị chỉ do dòng dõi của mình, ông thật tự hào đã giành được nó bởi chính những đóng góp cho ngành thủy tinh Việt Nam mà ông từng theo đuổi suốt đời, góp phần vào sự nghiệp chấn hưng kinh tế nước nhà. Nhưng ở ông còn có một đóng góp khác cho sự nghiệp chung mà có thể ông không hề ý thức. Đó là ông đã sinh ra một người con gái rồi sau cũng như cha, được mệnh danh bằng một cái tên như là huyền thoại: “Nàng tiên cá”. Chị tên là Trịnh Thị Ngọ, sinh năm 1931.

 

“Hannah, chị là ai?”

Chào đời trong nhung lụa, lớn lên trong giàu sang phú quý, cô tiểu thư Hà thành Trịnh Thị Ngọ được hưởng nếp giáo dục rất nghiêm khắc của cha. Mang “gien” cha, cô Ngọ học gì cũng nhanh và giỏi, tinh thông đủ các môn và nhất là ngoại ngữ. Như nhiều thiếu nữ cùng trang lứa, cô rất mê phim, nhưng lại thích phim Mĩ hơn phim Pháp. Lí do đơn giản là phim Pháp nói nhiều, còn phim Mĩ thiên về hành động hơn.

Chính nhờ tình yêu với điện ảnh Mĩ mà cô Ngọ quyết tâm đi học tiếng Anh. Thời ấy, tiếng Anh còn khá xa lạ, số người theo học không nhiều, vì thế mà học phí rất đắt. Rất may, ông Kính tuy nghiêm khắc, nhưng luôn sẵn sàng ủng hộ quyết định của con. Vốn đã thành thạo tiếng Pháp, lại có năng khiếu, cô Ngọ học rất nhanh, đến năm 1955 thì tốt nghiệp bộ môn tiếng Anh trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Gặp đúng lúc Đài Tiếng nói Việt Nam tuyển phát thanh viên cho chương trình tiếng Anh của Đài, cô Trịnh Thị Ngọ liền đâm đơn. Thời đó, người vừa giỏi ngoại ngữ vừa có chất giọng hay như cô không nhiều, nên cô được nhận vào làm ngay.

Năm 1965, lính Mĩ bắt đầu đổ bộ vào miền Nam Việt Nam. Phát thanh viên Trịnh Thị Ngọ được giao phụ trách một chương trình dành riêng cho… quân địch, gọi là “Chuyện nhỏ với binh sĩ Mĩ”. Để có thể hoàn thành trọng trách này, chị không chỉ làm phát thanh viên mà còn là biên dịch kiêm biên tập viên.

“Đây là Thu Hương trò chuyện với các binh sĩ Mĩ ở miền Nam Việt Nam”, Trịnh Thị Ngọ bao giờ cũng mở đầu chương trình của mình như thế bằng giọng nói dịu dàng nhưng cũng rất cương quyết. “Chào các anh, những binh lính Mĩ. Tôi có thể thấy rằng phần lớn trong số các anh chẳng hiểu mấy về chiến tranh. Chính các anh cũng không thể lí giải được vì sao mình lại có mặt ở đây, trên đất nước này. Còn gì vô ích hơn là lao vào một cuộc chiến, để bị chết hoặc mang thương tật suốt cuộc đời, mà chẳng hiểu rốt sự hi sinh ấy là vì cái gì”. Tiếp sau đấy, bắt đầu một bản nhạc u sầu của một ca sĩ Mĩ nổi tiếng, như Bob Dylan, Joan Baez hoặc Elvis Presley. “Những người chồng đi đâu mất rồi? Tất cả đã đi lính hết rồi… Những người lính đi đâu mất rồi? Tất cả đã nằm dưới mồ rồi. Ôi, bao giờ họ mới học được bài học của mình?...” – đó là lời bài hát Hoa đi đâu hết rồi (Where Have All The Flowers Gone) mà chị Ngọ hay chọn phát nhất.

Từng tiếng từng tiếng một như gặm nhấm tâm can của những người lính Mĩ, gieo vào lòng họ nỗi buồn vô hạn, khiến họ quay quắt trong nỗi nhớ nhà. Rồi chị tiếp tục mang đến cho binh sĩ Mĩ những tin tức mà họ chẳng bao giờ được nghe từ chính phủ của mình. Đó có khi là một bài báo do những nhà hoạt động chống chiến tranh người Mĩ viết, có lúc lại là câu chuyện về một phụ nữ Mĩ ngoại tình trong lúc chồng đi lính…

Mục đích của chương trình “Chuyện nhỏ với binh sĩ Mĩ” chính là đánh đòn tâm lí vào kẻ địch, khiến cho lính Mĩ hiểu được sự vô nghĩa của cuộc chiến tranh, làm họ mất hết ý chí chiến đấu, thuyết phục họ ngừng bắn giết và trở về với gia đình, vợ con, Tổ quốc mình.

Ngày quân đội Mĩ rút khỏi Việt Nam cũng là lúc chương trình kết thúc. Chị Ngọ chuyển vào miền Nam, xin thôi mọi công tác để được chuyên tâm chăm sóc chồng con. Đó là lí do khiến rất ít người Việt biết đến chị, nữ phát thanh viên Trịnh Thị Ngọ danh tiếng một thời.

        Nhưng trong mắt bạn bè quốc tế, nhất là giới “chuyên môn”, chị là một trong những nữ phát thanh viên nổi tiếng nhất thế giới. Còn với những cựu binh Mĩ từng tham chiến ở Đông Dương năm xưa, cho đến giờ, Trịnh Thị Ngọ vẫn là một huyền thoại. Biết bao lính Mĩ hồi ấy, ở dưới chiến hào nghe chương trình của chị đã gọi người phát thanh viên có giọng nói vừa quyến rũ vừa đáng ghét đáng sợ ấy bằng những cái tên như “Mụ phù thủy”, “Hannah Hà Nội”, hay “Nàng tiên cá”. Nhiều người cũng hay tự hỏi: “Hannah, chị là ai?” . Người ta dễ nghĩ một người như chị hẳn phải là một “VC thứ thiệt”, một thứ Việt Cộng con nhà nòi, được đào tạo bài bản để làm những nhiệm vụ đặc biệt. Song chắc chắn, không ai có thể nghĩ, “Nàng tiên cá” ấy là con một “Ông hoàng thủy tinh xứ Đông Dương”…

--------------

(1) Gô-đa (tiếng Pháp là Godard) là cửa hàng sang trọng bậc nhất thời Pháp thuộc, sau 1954 được chuyển thành Cửa hàng bách hóa tổng hợp. Nay được xây lại thành Plaza Tràng Tiền.

Trích "Những gương mặt không thể nào quên, NXB Kim Đồng, Hà Nội, 2014.

Để lại một bình luận

Gõ tiếng Việt có dấu khi tham gia bình luận. Bình luận của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng!

Hỗ trợ trực tuyến

Mr.Trịnh Đức

ĐT: 090.7707671

Skype Me™!

Mr.Trịnh Tứ

ĐT: 090.8340877

Skype Me™!

You need Flash player 6+ and JavaScript enabled to view this video.

Bình chọn trực tuyến

Bạn biết đến website hotrinhphia.com qua?

Hội thảo - 0%
Bạn bè - 25%
Truyền hình - 25%
Internet - 37.5%
Các nguồn khác - 12.5%

Tổng số phiếu: 8
The voting for this poll has ended on: Tháng 7 21, 2013