22 Tháng 12 2024

HAI ĐẠI THẦN ĐẦU TRIỀU, MỘT NỖI OAN KHỐC

HAI ĐẠI THẦN ĐẦU TRIỀU, MỘT NỖI OAN KHỐC

Trịnh Duy Tuân

Khi Lê Lợi xưng Bình Định vương, dấy binh khởi nghĩa chống bọn giặc Minh tàn bạo, hai người trai của họ Trịnh, một ở Giang Đông (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa), một ở Thủy Chú (Thọ Xuân, Thanh Hóa) được phong làm tướng trong số   51 tướng văn tướng võ đầu tiên của Lam Sơn động chủ.

Người trai đất Giang Đông (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) là Trịnh Khả. Tổ tiên của ông làm quan triều Trần, từng có công lao trong việc chống quân Nguyên. Ông về Lam Sơn tụ nghĩa ngay từ khi Lê Lợi còn náu mình ngầm nuôi binh mã, chuẩn bị cho sự nghiệp bình Minh sau này. Và ông cũng là một trong 18 người tham gia Hội thề Lũng Nhai([1]). Ngay từ những ngày đầu của cuộc khởi nghĩa, ông đã được Lê Lợi tin dùng, sai mang thư sang nhờ vua Ai Lao (Lào) cung cấp khí giới, voi chiến, lương thực… Sau đó, đánh nhau với địch lớn nhỏ hàng mấy mươi trận, dù ở Thuận Hóa, Nghệ An hay Đông Quan, Tuyên Quang… ông đều xung phong hãm trận, nổi tiếng lập công to.

Trịnh Khắc Phục quê ở Thủy Chú (Thọ Xuân, Thanh Hóa). Tổ tiên của ông nhiều đời làm quan cho nhà Trần. Ông thuộc dòng họ ngoại([2]) của Lê Thái Tổ, lập nhiều công trạng cho nhà hậu Lê. Trong kháng chiến chống Minh, ông theo vua Thái tổ đánh giặc, chỉ đánh mất một ngày một đêm phá được ba thành của giặc. Lúc vào Nghệ An chi viện hoặc đưa quân vào đánh úp ở Thuận Hóa, khi hành quân thần tốc ra Bồ Đề (Gia Lâm - Hà Nội ngày nay) bao vây Vương Thông. Giặc cầu cứu viện binh. Cùng với Trần Lựu, Trịnh Khả, Lưu Nhân Chú … ông  tham gia trận đánh chém được đầu Liễu Thăng năm 1427.  ông Trịnh Khắc Phục

Khi bàn định công lao đánh giặc ngoại xâm, Lê Lợi phong cho Trịnh Khả hàm Kim tử Vinh lộc đại phu tả Lân hổ Vệ tướng quân, ban cho túi kim ngư, ngân phù, thượng khinh xa đô úy. Năm 1429, khi khắc biển ngạch công thần, vua lại ban cho ông tước hầu và giao cho nhiều chức vụ lớn. Còn Trịnh Khắc Phục được phong tước Tả kim Ngô vệ thôi trung tá lý dương vũ công thần, Thượng tướng quân, Kinh Thái bá, trước phục hầu. Sau khi có công lập cột mốc biên giới giữa ta và Tàu, ông càng được vua  tin dùng.

Suốt ba triều vua (từ Lê Thái Tổ, Lê Thái Tôn đến Lê Nhân Tông), hai vị tướng chiến trường đã trở thành những trụ cột, những quan đại thần đầu triều([3]), những lương thần([4]) của nhà Lê Sơ. Không thể đi vào chi tiết, riêng rẽ,  xin dẫn ra một vài việc trọng đại mà hai đại thần này cùng được vua giao phó :

- Năm 1443, chúa Chiêm thành là Bí Cai hai lần vây châu Hóa, triều đình bèn đem quân hỏi tội. Vua sai ông Trịnh Khả đem một cánh quân đi trước, còn Bình chương Thụ và Thiếu úy Lê Khắc Phục thống lĩnh quân các đạo tiến sau. Bí Cai đã phải ra hàng([5]).  

- Chiêm Thành dù thất bại những vẫn quấy nhiễu biên giới phía Nam. Vì vậy,  ngày 22 tháng Giêng năm 1446, vua lại sai Nhập nội thiếu phó tham dự triều chính Trịnh Khắc Phục, Nhập nội đô đốc bình chương Lê Thụ, Trịnh Khả  đem hơn 60 vạn quân đi đánh Chiêm Thành. Quân ta tấn công vào tận sào huyệt của quân Chiêm là thành Chà Bàn (nay thuộc Bình Định), bắt vua Chiêm là Bí Cai.([6])

 - Với kẻ coi thường luật pháp, các ông nghiêm khắc trừng trị. Bá Viễn xử kiện gây lòng căm hận, tháng  7 năm 1448, Trịnh Khắc Phục cùng với Thái úy Trịnh Khả dâng sớ lên vua, Bá Viễn đã bị bãi chức([7]).  

 Có thể nói đây là hai đại thần đầu triều, giường cột của triều Lê sơ, nhất là thời Thái Tôn và Nhân Tông nên các cụ được ban nhiều chức tước cao, to.  

Năm 1443, cụ Trịnh Khả được phong Nhập nội Suy trung Tá lý Dương vũ công thần, kiêm Lỗi Giang trấn phủ quân Thượng tướng quân, cai quản việc quân vệ ở vệ Tây đạo, Quốc thượng hầu. Về sau ông được trao chức Suy trung Tán trị Dương vũ Tĩnh nạn công thần, Thái Nguyên trấn Phiên kị thượng tướng quân, đặc tiến khai phủ nghi đồng tam ty, nhập nội thiếu úy, kiểm hiệu bình chương quân quốc trọng sự, thượng trụ quốc, Quốc thượng hầu. Chức vụ cao nhất mà cụ đảm nhiệm thuộc hàng Tể tướng.

Trên quan lộ, cụ Trịnh Khắc Phục được ban huân tước và các chức vụ như: Kim tử Vinh lộc đại phu,  Thượng trí tự, Trước phục hầu.  Phán đại tông chính, Đặc tiến nhập nội Tư khấu Đồng bình chương sự, Nhập nội thiếu phó tham dự triều chính,  Nam Đạo Hành khiển, Đề điệu Quốc tử giám.  Tả Kim ngô vệ, Thượng tướng quân, Thiếu úy, Binh bộ Thượng thư... Cũng như cụ Trịnh Khả, chức vụ cao nhất mà cụ Trịnh Khắc Phục đảm nhiệm thuộc hàng Tể tướng.

Các con trai  của hai cụ, nhiều người tham gia chính sự, làm quan cho nhà Lê. Trịnh Bá Nhai, con đầu của cụ Trịnh Khắc Phục được gả cho công chúa là chị gái của Tư Thành (Lê Thánh Tông sau này). Hậu duệ nhiều đời sau của hai cụ vẫn một lòng một dạ trung quân ái quốc, giúp nhà Lê trung hưng, giữ vững sơn hà xã tắc.

Nhưng cuộc tranh giành ngai vàng, quyền lợi trong triều cùng với những toan tính, dã tâm, tàn bạo  đâu có để cho các bậc trung thần được thể hiện tài kinh bang tế thế ! Lịch sử vẫn còn đó những vụ oan án tày trời Lê Văn Thịnh, Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát…

Chín năm sau vụ án tru di tam tộc Nguyễn Trãi,  viên quan đắc lực giúp Nguyễn Thị Ngọc Anh dựng lên vụ án Lệ chi viên đã tiết lộ cho Trịnh Khả và Trịnh Khắc Phục biết. Sợ chuyện vỡ lở ra bên ngoài, Nguyễn Thị Ngọc Anh lại dựng chuyện để giết Trịnh Khả, Trịnh Khắc Phục và hai người con đầu của các cụ. Hôm ấy là ngày 26 tháng 7 năm 1451.

 Cái chết oan ức của hai vị đại thần đầu triều Trịnh Khắc Phục và Trịnh Khả là hệ lụy tất yếu của vụ án tru di tam tộc Nguyễn Trãi, là một chứng cứ để khẳng định vụ án Nguyễn Trãi là bất minh. Cái chết ấy là minh chứng hùng hồn để khẳng định nhân cách cứng cõi, trung thực, bất khuất của cụ Trịnh Khả và  cụ Trịnh Khắc Phục khiến  kẻ đầy quyền uy cũng phải khiếp sợ.

Về cái chết của hai vị quan đầu triều tài năng, trong  Bài văn đại xá của Lê Nghi Dân viết sau khi lên ngôi, có đoạn :

“Chẳng may Tiên đế đi tuần về miền đông, bỗng băng ở bên ngoài. Nguyễn Thái Hậu muốn giữ vững quyền vị, ngầm sai nội quan Tạ Thanh dựng Bang Cơ làm vua, bắt trẫm làm phiên vương. Sau Tạ Thanh tiết lộ việc ấy lây đến cả Thái úy Trịnh Khả và Tư khấu Trịnh Khắc Phục, Thái hậu bắt giết cả đi để diệt hết người nói ra”.

Nhà Sử học Phan Phu Tiên vừa căm giận, mỉa mai, vừa xót xa bàn luận: “Nhân Tông mới lên hai tuổi đã sớm nối ngôi vua, Thái Hậu Nguyễn Thị [Anh, mẹ Nhân Tông] là gà mái gáy sớm, Đô đốc Lê Khuyển như thỏ khôn giữ mệnh (…) bậc túc nho như Lí Tử Tấn, Trình Thuấn Du thì đẩy vào chỗ nhàn, phường dốt đặc ồn ào như đàn ong nổi dậy, (…) Bậc lương thần như Trịnh Khả, Khắc Phục thì kèn cựa mà giết đi … ([8])

 Nỗi oan khiên ấy, ngay đến cả Nhân Tông (con bà Ngọc Anh) cũng thấu tỏ. Vì vậy, hai năm sau vụ án, khi bắt đầu đích thân trông coi chính sự, ông đã giúp cho con cháu cụ Trịnh Khắc Phục và cụ Trịnh Khả phần nào nguôi ngoai nỗi đau mất mát: cấp một trăm mẫu quan điền cho bọn (…), Trịnh Khắc Phục, Trịnh Khả. Nhiều triều sau đó, kể cả nhà Nguyễn cũng đều thấy được công lao to lớn của hai cụ nên đã nhiều lần truy phong cho các cụ. Chắc các cụ cũng đã được ngậm cười nơi chín suối.

Viết lại chuyện cũ nhân ngày giỗ lần thứ 562 của các cụ là để thắp một nén tâm nhang cho các bậc đại công thần của dòng họ, của nước Đại Việt xưa.

                                   Thanh Hóa, ngày 26 tháng 7 năm Qúy tị - 2013



([1]) Năm 1416, Lê Lợi cùng 17 người liên danh thề ước cùng vui cùng lo có nhau. Đây chính là hội thề đánh đuổi quân Minh xâm lược.

([2]) Mẹ Lê Lợi, bà Trịnh Thị Ngọc Thương,  thuộc dòng họ cụ Trịnh Khắc Phục.

([3]) Từ dùng của Nguyễn Lương Bích trong Nguyễn Trãi đánh giặc cứu nước, NXB Quân đội nhân dân năm 1974, trang 590.

([4]) Từ dùng trong Đại Việt sử kí toàn thư, tập II, NXB VHTT- năm 2000, trang 606.

([5]) Đại Việt thông sử tập 3. NXB khoa học xã hội, Hà Nội 1978, trang 221.

([6]) ĐVSKTT tập II, Sđd, trang 560

([7]) ĐVSKTT tập II, Sđd, trang 571.

([8])  ĐVSKTT tập II, Sđd, trang 605, 606 và 607.

Để lại một bình luận

Gõ tiếng Việt có dấu khi tham gia bình luận. Bình luận của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng!

Hỗ trợ trực tuyến

Mr.Trịnh Đức

ĐT: 090.7707671

Skype Me™!

Mr.Trịnh Tứ

ĐT: 090.8340877

Skype Me™!

You need Flash player 6+ and JavaScript enabled to view this video.

Bình chọn trực tuyến

Bạn biết đến website hotrinhphia.com qua?

Hội thảo - 0%
Bạn bè - 25%
Truyền hình - 25%
Internet - 37.5%
Các nguồn khác - 12.5%

Tổng số phiếu: 8
The voting for this poll has ended on: Tháng 7 21, 2013