Chân dung các chúa Trịnh
2. BÌNH AN VƯƠNG TRỊNH TÙNG
Biên soạn: Bỳ Văn Tứ
Bình an Vương Trịnh Tùng sinh ngày 22 tháng 11 năm 1550 ( Canh Tuất ) , đời Lê Trung Tông, niên hiệu Thuận Bình thứ 2. Khi sinh ra vốn bẩm tính thông minh, tài đức hơn người, anh hùng nhất đời, có thể nối chí cha, giúp nên nghiệp đế. Công Trung hưng của triều Lê thực dựng nền từ đấy ( trích Đại Việt sử ký toàn thư).
- 1. Tiết chế Trịnh Tùng – Nhà quân sự kiệt xuất
Năm 14 tuổi ( 1564 ) , chàng thiếu niên Trịnh Tùng đã theo cha là Thái sư Trịnh Kiểm đi đánh dẹp quân Mạc ở miền giữa, lộ Sơn Nam.
Năm 19 tuổi ( 1569) , chàng thanh niên Trịnh Tùng được phong tước Phúc Lương Hầu.
Năm 1570, ngày 18 tháng 2, Thái Vương Trịnh Kiểm bị bệnh, từ trần. vua Lê có chiếu cho Thế tử Trịnh Cối thay lĩnh binh quyền cầm quân đánh giặc. Nhưng Trịnh Cối buông thả mình trong tửu sắc, ngày càng rông rỡ kiêu ngạo, không thương gì tới quân lính, tướng sỹ không phục, mầm họa đã thành.
Ngày 2 tháng 4 năm 1570, các trung thần nhà Lê tôn phò Phúc Lương Hầu Trịnh Tùng đưa nhà vua về hành điện Yên Trường để chống quân nhà Mạc.
Ngày 16 tháng 8 năm 1570, Mạc Kinh Điển đem đại quân tiến đánh quân Lê Trịnh. Trịnh Cối tự liệu không chống nổi, đầu hàng giặc .
Ngày 20 tháng 8 năm 1570, khi Phúc Lương Hầu Trịnh Tùng mới 20 tuổi, được phong làm Chưởng Quận công, tiết chế các quân thủy bộ, cầm quân đánh giặc. Tiết chế Trịnh Tùng hội các tướng, mở tiệc úy lạo quân sỹ, cùng 30 võ tướng và 12 quan văn “ chỉ trời cùng thề đồng lòng chung sức chống giặc”.
Quân Lê Trịnh đắp lũy cao, đào hào sâu, giữ chỗ hiểm, ban ngày cố thủ, ban đêm đánh cướp doanh trại, quấy rối quân địch, giết giặc, cắt tai lĩnh thưởng. Mạc Kinh Điển tuy quân đông mà đánh mãi không được phải lui quân giữ dinh Hà Trung. Tiết chế Trịnh Tùng được gia phong Tả tướng quân Thái úy Trường quốc công, tiết chế tướng sỹ các dinh quân thủy bộ các xứ, tiến dánh quân Mạc. Quân Lê Trịnh thanh thế lẫy lừng, đi đến đâu quân Mạc tan chạy đến đó, Mạc Kinh Điển phải hạ lệnh nhổ trại mà về.
Năm đầu cầm đại quân lúc mới 20 tuổi, trong bối cảnh thù trong giặc ngoài mà Tiết chế Trịnh Tùng đã tập hợp được tướng sỹ, thu phục lòng người, có chiến thuật hợp lý, lấy ít địch nhiều, giành được thắng lợi.
Năm 1573, khi mới 23 tuổi, Tả tướng quân Trịnh Tùng được gia phong làm Đô tướng tiết chế các các xứ thủy bộ chư binh, kiêm tổng nội ngoại bình chương quân quốc trọng sự, mọi việc được quyền tự quyết trước rồi mới tâu vua. Đoan Quận công Nguyễn Hoàng được gia phong làm Thái phó.
Trong vòng 22 năm từ 1570 đến 1592 Tiết chế Trịnh Tùng đã chỉ huy quân Lê Trịnh đánh hàng trăm trận lớn nhỏ, phá tan quân nhà Mạc, thu phục Thăng Long, khôi phục triều Lê.
Một số trận tiêu biểu, thể hiện tài cầm quân của Ngài:
- Năm Đinh Sửu 1577, đánh tan quân Mạc Kinh Điển ở Đông Cổ, Hà Đô;
- Năm Mậu Dần 1578 đánh quân Mạc Kinh Điển ở núi Phụng Công, quân giặc chết không kể xiết phải rút về;
- Năm Kỷ Mão 1579 đánh quân Mạc Kinh Điển ở Tống Sơn, Hà Trung , quân Mạc thua to phải rút về;
- Năm Tân Tỵ 1581 đánh Mạc Đôn Nhượng, Nguyễn Quyện ở Quảng Xương, chém hơn 600 thủ cấp , bắt sống vừa tướng vừa quân mấy trăm tên; đều cấp cho cơm áo thả về quê quán. Tả tướng quân Trịnh Tùng thể hiện bản lĩnh cao cường, nhân nghĩa , nhìn xa trông rộng, kế sách lâu dài ;
- Năm Quý Mùi 1583 đánh đuổi quân Mạc vào cướp bóc các huyện ven sông rồi đánh dẹp các huyện ở Sơn Nam Hạ lộ. Từ đó quân Mạc không dám xâm phạm Thanh Hoa nữa. Bắt đầu giai đoạn tấn công;
- Năm Đinh Hợi 1587 tiến đánh quân Mạc ở Mỹ Lương , Ninh Sơn, Chương Đức, rồi tiến đánh Yên Sơn, Thạch Thất, đi đến đâu , đánh tan quân Mạc đến đó;
- Năm Kỷ Sửu 1589 đánh quân Mạc Đôn Nhượng ở Tam Điệp, chém hơn 1000 thủ cấp, bắt sống trên 600 quân Mạc, cho cơm áo rồi thả về quê. Tả tướng quân thể hiện sức mạnh và lòng nhân nghĩa.
Chiến dịch thu phục Thăng Long:
Lực lượng đã mạnh, tinh thông binh pháp, khéo dụng trận đồ, đánh thắng áp đảo; đồng thời giữ nghiêm quân luật, được lòng dân trăm họ, thu phục hàng tướng của giặc tiến tới thắng lợi hoàn toàn.
Năm Tân Mão 1591, tháng 12 Tiết chế Trịnh Tùng điều 5 đội quân gồm dinh Tiền khu, dinh Tả khu, dinh Hữu khu, đại dinh Trung khu và dinh Hậu quân , tổng số khoảng 6-7 vạn quân, tiến về Thăng Long. Hơn 10 ngày, đại quân tập kết ở Mã Yên, Từ đó giải phóng các huyện Yên Sơn, Thạch Thất, Phúc Lộc , Tân Phong rồi đóng dinh ở Tốt Lâm.
Nhà Mạc cử hết đại binh , binh mã 4 trấn, 4 vệ, 5 phủ trên 10 vạn quân, hội ở Hiệp Thượng, Hiệp Hạ để quyết chiến, Mạc Mậu Hợp đích thân đốc chiến. Ngày 27 tháng 12, hai bên dàn bày binh mã đối trận, đánh nhau giáp lá cà từ 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa. Tiết chế Trịnh Tùng cầm cờ chỉ huy, quan quân hăng hái, thế như trẻ tre, chém được tướng giặc là Khuông Định công và Tân Quận công tại trận. Họ Mạc thấy thế quân không địch nổi, hạ lênh án binh bất động.Tiết chế Trịnh Tùng đích thân đốc chiến chỉ huy ba quân tiến đánh rất có kỷ luật. Quân Mạc kinh hoàng , hàng ngũ rối loạn bị đánh tan, máu chảy khắp đồng, thây chất thành núi. Mạc Mậu Hợp sợ đến vỡ mật, xuống thuyền vượt sông mà chạy, trốn về Kinh ấp. Tàn quân Mạc tranh nhau xuống thuyền chạy trốn, bị rơi xuống sông chết quá nửa. Các quân đuổi dài đến Giang Cao, chém được hơn 1 vạn thủ cấp, cướp được khí giới và ngựa nhiều không kể xiết. Ngày 30, Tiết chế Trịnh Tùng cho đánh phá Tây Bắc thành Thăng Long, khói lửa ngút trời, trong thành sợ hãi rối loạn, Mạc Mậu Hợp cuống quýt bỏ thành chạy trốn. Thanh thế quan quân ngày càng lừng lẫy.
Ngày 3 tháng giêng năm Nhâm Thìn ( 1592), Tiết chế Trịnh Tùng sai lập đàn sắm lễ, trai giới làm lễ tế trời đất, Thái Tổ Cao Hoàng đế và các vị Hoàng đế nhà Lê, các thần linh núi sông, các danh tướng xưa nay trong nước ; khấn rằng: “ Thần là Trịnh Tùng gượng gánh trọng trách của nước nhà, lạm cầm quyền lớn đánh dẹp, vâng mệnh đánh kẻ phản nghịch để cứu dân, nghĩ rằng sinh linh xã tắc triều Lê bị kẻ gian thần phản nghịch là họ Mạc giết vua, cướp nước, tội ác rất sâu, ngược dân, dối thần, họa đầy oán chứa. Đẻ sinh linh phải lầm than đã gần 70 năm, mà nguyên do gây họa hoạn, phải đâu một hai buổi. Nay thần cùng bọn tướng tá , thề không cùng sống với giặc, há chịu cùng đội trời chung. Xin các thánh hoàng đế tiên triều, soi xét lòng thần, diệt bọn giặc phản nghịch cho dân được yên, để khôi phục cõi đất của triều Lê”. Khấn xong , Tiết Chế cáo dụ tướng sỹ giữ nghiêm kỷ luật, không xâm phạm của dân, rồi hạ lệnh các dinh nhổ trại tiến về Thăng Long. Trăm họ vui theo, người theo về đông như đi chợ. Ngày mồng 5, đại quân vượt sông, tiến về phía cầu Nhân Mục; Mạc Mậu Hợp sợ quá , bỏ thành Thăng Long, đến bến Bồ Đề, ở lại Thổ Khối. Ngày mồng 6, đại quân vượt sông Tô Lịch , đóng ở núi Xạ Đôi, chia quân bày trận, các đạo cùng tiến đánh phá thành Thăng Long để lấy công đầu. Tiết chế Trịnh Tùng cầm cờ chỉ huy, đốc quân thúc đánh, chỉ tiến không lui, cứ theo trận đồ mà tiến. Tướng sỹ nhà Mạc tan vỡ tháo chạy và bỏ trốn. Quan quân thừa thắng đánh đuổi đến tận bờ sông. Nguyễn Quyện trí cùng lực kiệt bị bắt sống. Tiết chế Trịnh Tùng cởi trói cho Quyện, đãi theo lễ tân khách, tuyên dụ úy lạo, nói tới ân nghĩa nuôi dưỡng của tiên vương, không nỡ giết hại. Quyện thẹn đỏ mặt, phục xuống mà tự than rằng : “ Tướng thua trận không thể nói mạnh được. Trời đã bỏ nhà Mạc thì người anh hùng cũng khó ra sức”. Tiết chế Trịnh Tùng khen câu nói ấy. Về sau Nguyễn Quyện chết trong ngục. Tướng Mạc chết mấy chục viên, quân Mạc xác chết gối lên nhau, khí giới chất như núi, cung điện , nhà cửa kinh thành tiêu điều. Mạc Mậu Hợp kinh hoàng sợ hãi, thu nhặt tàn quân giữ sông cái để cố thủ. Tiết chế Trịnh Tùng đem quan đến bờ sông, thu quân dừng lại đóng doanh trại theo trận đồ.
Trong tháng 3 năm ấy, từ sông Nhị về phía Tây, quân Lê Trịnh thu phục được hết, rồi đem quân về tâu công toàn thắng, thăng thưởng huân tước cho các tướng sỹ.
Tháng 10, Sơn quận công nhà Mạc là Bùi Văn Khuê đem quân về hàng. Sau đó hơn chục tướng Nam đạo của nhà Mạc hàng phục.
Tháng 11, ngày 14, Tiết chế Trịnh Tùng chỉ huy trận chiến trên sông Hát , thu được hàng nhìn thuyền lớn nhỏ, đuổi giăc đến Nam thành Thăng Long. Mạc Mậu Hợp chạy trốn về Kim Thành , trấn Hải Dương, các tướng nhà Mạc lũ lượt kéo đến cửa quân đầu hàng. Thu phục các phủ huyện Thuận An, Tam Đới, Thượng Hồng phía Bắc sông Nhị; đảng cướp ở Thái Nguyên 5000 người cũng hàng phục. Ngày 25 Tiết chế Trịnh Tùng tiến quân đến xứ Hải Dương, dẹp tàn quân Mạc. Họ Mạc bỏ thành chạy trốn, Thái hậu nhà Mạc bị bắt.
Ngày 3 tháng 12 năm 1592 đánh dẹp bọn Mạc Kính Chỉ ở Thanh Hà, thu phục các phủ Hạ Hồng, Nam Sách, Kinh Môn.Nhiều quận công, quan quân nhà Mạc đến cửa quân hàng phục. Tiết chế Trịnh Tùng sai các tướng đánh dẹp các huyện Yên Dũng, Vũ Ninh, bắt dược Mạc Mậu Hợp.
Mạc Kính Chỉ thu thập tàn quân 6-7 vạn người ở Đông Triều, Chí Linh, chiếm lại Hải Dương, Kinh Bắc, đóng ở Thanh Lâm.
Ngày 12 tháng giêng năm 1593, Tiết chế Trịnh Tùng đốc suất đại quân qua sông Nhị, hội ở Cẩm Giàng, tiến đánh Thanh Lâm, bắt được nhiều tướng giặc, Mạc Kính Chỉ và họ Mạc chạy trốn vào rừng núi Chí Linh, Đông Triều.Ngày 14 , Mạc Kính Chỉ và quan tướng và họ hàng bị bắt giải đến nộp ở cửa quân, bị chém cả.
Tháng 3, Mạc Ngọc Liễn trốn lên phương Bắc tìm được con của Mạc Kính Điển là Mạc Kính Cung ở châu Văn Lan, lập làm người nối nghiệp họ Mạc rồi thu thập dư đảng cướp bóc các châu huyện, chiếm cứ các nơi. Tiết chế Trịnh Tùng sai các tướng chia quân qua sông đánh dẹp, chém vài nghìn thủ cấp, bọn đảng ngụy tan chạy, các châu huyện lại yên.
Tiết chế Trịnh Tùng sai xây lại cung điện, làm hành tại ở phía Tây Nam thành Thăng Long, phía bắc Cầu Dừa, chỗ Cẩm Đình trước, rồi sai các đại thần và các quan văn võ, chỉnh đốn binh tượng để chuẩn bị đón thánh giá.
Tháng 4, ngày 16 vua lên chính điện, nhận lễ chầu mừng của trăm quan, đại xá thiên hạ, xét công ban thưởng, gia phong , thăng chức các quan, tướng theo thứ bậc khác nhau.
Tháng 5, Thái phó Đoan quận công Nguyễn Hoàng từ Thuận Hóa đích thân đem tướng sỹ, voi ngựa, thuyền ghe về kinh lạy chào, đem sổ sách về binh lương, tiền lụa, vàng bạc châu báu, kho tàng của 2 trấn Thuận Hóa và Quảng Nam dâng nộp. Tiết chế Trịnh Tùng dâng biểu tâu cho Nguyễn Hoàng làm Trung quân đô đốc phủ tả đô đốc chưởng phụ sự Thái úy Đoan quốc công, sai đi đánh giặc biển ở các xứ Sơn Nam và Hải Dương.
Ngày 22 tháng 3 năm 1594 , vua sai Nguyễn Hoàng mang kim sách gia phong Minh Khang Thái vương làm Minh Khang Nhân Trí Vũ Trinh Hùng Lược Thái vương. Sai Nguyễn Mậu Tuyên đem sắc chỉ gia phong Thái tể Thái sư Hưng quốc công Nguyễn Kim làm Chiêu Huân Phụ Triết Tĩnh Công.
“ Như vậy công cuộc Trung hưng nhà Lê, khởi đầu là do Nguyễn Kim và Trịnh Kiểm, hoàn thành là do Trịnh Tùng. Nhà Lê Trịnh đã thống nhất Đại Việt, giữ được bờ cõi, chấm dứt việc nhà Mạc cướp ngôi và dâng đất cho phương Bắc” .
- 2. Bình An vương Trịnh Tùng – một quân vương trị nước tài giỏi có nhiều kế sách cai trị , chấn hưng Đại Việt:
2.1 Luôn chăm lo đời sống cho dân:
Khi cán cân lực lượng chênh lệch, quân Mạc mạnh hơn tấn công cướp bóc xứ Thanh Hoa, Nghệ An , Tiết chế đã hạ lênh nhân dân thực hiện kế sách vườn không nhà trống, sơ tán vào rừng để tránh giặc. Khi chuẩn bị ra quân, Tiết chế trù tính mùa vụ cấy trồng , sao cho việc ra quân không ảnh hưởng tới mùa thu hoạch của dân.
Khi thế đã mạnh, đưa quân đi đánh dẹp quân Mạc, Tiết chế luôn giữ nghiêm kỷ luật, cấm tướng sỹ không được vào nhà dân lấy củi, hái rau, chặt cây, không được lấy của cải không phải là của giặc, không được hãm hiếp đàn bà con gái và giết hạ
i dân lành. Vì vậy quân đi đến đâu đều được dân ủng hộ, ít địch được nhiều, yếu thắng mạnh.
2.2 Luôn quan tâm việc học, tổ chức thi cử, tuyển chọn và dùng người tài
Ngay trong thời gian còn chống đỡ quân nhà Mạc, Tiết chế Trịnh Tùng đã cho tổ chức thi hương ở vùng Thanh Hoa, Nghệ An, Thuận Hóa và thi Hội ở Yên Trường, Vạn Lại, Biện Thượng, Trịnh Điện.
Ngay khi vừa thu phục Thăng Long, tháng 3 năm 1592 đã tổ chức thi Hội, lấy Trịnh Cảnh Thụy, Ngô Trí Hòa đậu Tiến sỹ xuất thân.
Sau khi khôi phục nhà Lê, mặc dù còn tiếp tục đánh dẹp phản loạn, bình định các xứ sau 70 năm nằm dưới sự cai trị của nhà Mạc, cứ 2-3 năm một lần tổ chức thi Hội rồi thi Đình hoặc thi Hội rồi thi Điện để lấy nhân tài bổ dụng quan lại.
2.3 Có chính sách an dân và phát triển giao thương:
Khi đã khôi phục được nhà Lê, trong bối cảnh còn loạn lạc , Bình An vương Trịnh Tùng đã có hệ thống chính sách an dân:
1) Kiện toàn bộ máy cai trị và tăng cường hiệu quả hệ thống hành chính từ trung ương tới địa phương;
2) Bồi đắp đê điều các xứ , đề phòng ngập lụt;
3) Sửa đức để cầu mệnh trời;
4) Ngăn cường hào để nuôi sức dân;
5) Cấm phiền hà để dân sống được;
6) Cấm xa xỉ để của dân dồi dào;
7) Dẹp trộm cướp để dân an cư;
8) Sửa quân chính để bảo vệ dân;
9) Miễn thuế dịch cho dân phiêu tán trở về quê lạc nghiệp;
10)Chính sách cởi mở, giao thương với nước ngoài: Năm 1621 đã có những thương gia phương Tây đầu tiên ( Bồ đào nha, Hà lan ) đến Thăng Long buôn bán.
11)Quy hoạch đô thị, phát triển Thăng Long: Tiết chế Trịnh Tùng là người đầu tiên cho xây dựng Phủ Chúa Trịnh với quy mô hoành tráng , cùng với việc hình thành các phố phường Thăng Long- Kẻ Chợ mang dáng dấp đô thị từ đầu thế kỷ thứ 17.
2.4 Chính sách phát triển tam giáo ( Nho giáo, Đạo giáo và Phật giáo )
Chúa Trịnh Tùng rất coi trọng Nho giáo và Đạo giáo, tạo nền tảng cho việc cai trị đất nước: Biên soạn thần tích năm 1572; Chấn chỉnh việc thờ tự đền Lý Bát Đế, khăc bia đá ca ngợi công đức của tiên triều nhà Lý v.v…
Song song , Bình An Vương đã có nhiều lệnh chỉ bảo vệ, củng cố và phát triển Đạo Phật : Lệnh chỉ cho các địa phương thu hồi đất chiếm đoạt trả lại nhà chùa ở chùa Nhật Chiếu, Linh Tiên cổ tự ( 1616), chùa Chúc Khánh ( 1618), chùa Mia , Ninh Bình (1620) … để đèn nhang thờ các chư Phật mãi mãi phù giúp đất nước.
2.5 Tài ngoại giao :
Trong suốt cuộc chiến , Tiết chế Trịnh Tùng giữ mối bang giao hòa hảo với Ai Lao
Với sự kiên nhẫn và khéo léo Tiết chế Trịnh Tùng cử sứ giỏi là Phùng Khắc Khoan đi sứ sang Nhà Minh; mặc dù nhà Minh xảo quyệt, tàn dư họ Mạc tìm mọi cách phá, nhưng năm Đinh Dậu 1597 nhà Lê Trịnh và nhà Minh “hội khám ở cửa Trấn Nam Giao, trong lễ giao tiếp hai bên vui vẻ mừng nhau. Từ đấy hai nước Nam Bắc lại trao đổi với nhau” ( trích Đại Việt sử ký toàn thư).
Năm Kỷ Hợi 1599 nhà Mimh sai Vương Kiến Lập mang ngựa tốt, đai ngọc, mũ xung thiên tặng cho Tiết chế Trịnh Tùng, xin kết tình láng giềng và gửi 2 tấm thiếp, trong viết 8 chữ: “ Quang Hưng Tiền Liệt Định Quốc Nguyên Huân”. Tiết chế Trịnh Tùng đối đãi rất hậu , sai người hộ tống về nước.
- 3. Nhà Lê ghi nhận công lao của Bình An vương Trịnh Tùng :
Năm Kỷ Hợi 1599, vua Lê Thế tông tấn phong Đô tướng tiết chế các xứ thủy bộ chư dinh kiêm tổng nội ngoại bình chương quân quốc trọng sự Tả tướng Thái úy Trường quốc công Trịnh Tùng làm Đô nguyên súy tổng quốc chính thượng phụ Bình An vương. Trong sách tấn phong của vua Lê , có câu: “ … Tả tướng Thái úy Trường quốc công Trịnh Tùng uy vọng lớn như núi cao, bóng cả, đấng võ văn của nhà nước triều đình. Bày mưu đặt kế yên xã tắc, công cao sáng tỏ giữa trời; giữ tín giảng hòa nước láng giềng, sách giỏi giữ êm ngàn cõi. Công đã ngất cao trong vũ trụ, vị phải đứng đầu các thần liêu… tấn phong làm Đô nguyên súy tổng quốc chính thượng phụ Bình An Vương”.
Năm 1623, Bình An vương Trịnh Tùng bị ốm và từ trần, thọ 74 tuổi, được vua Lê truy phong là Cung Hòa Khoan Chính Triết Vương, Thụy là Duệ Vũ, miếu hiệu là Thành Tổ. Kim sách viết: “ Vương là bậc khôi phục cơ đồ, mở mang nghiệp nước.Triều đình đặt ra lễ hậu, nêu bật công to…Nhớ Nguyên soái Tổng quốc chính Thượng phụ Bình An vương xưa thông minh, dĩnh đạt, trí dũng , anh hào, lấy lòng nhân nghĩa, cứu vớt sinh linh, giữ yên xã tắc, xoay lại đất trời, giúp vầng nhật nguyệt, công đức cao dầy…”
Như vậy Triết Vương Trịnh Tùng đã phò 3 đời vua của nhà Lê , là Thế tông Nghị Hoàng đế, Nghị tông Huệ Hoàng đế và Thần tông Uyên Hoàng đế , trong 54 năm, hoàn thành sự nghiệp trung hưng.
Nhân sinh, chí hướng của Bình An Vương Trịnh Tùng được thể hiện qua câu đối tại Phủ Chúa Trịnh :
“ Sớm tối dốc hết lòng, trung nước yêu dân, kính giữ phận thần tử
Sau trước chăm chỉ học, việc làm lời nói, tuân theo sách thánh hiền”
Chúa Trịnh Tùng là một nhà quân sự kiệt xuất, một nhà trị nước tài năng, một nhân cách lớn của dân tộc Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
- Đại việt sử ký toàn thư. Bản in nội các quan bản 1697. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội .2010
- Trịnh thị gia phả
- Trịnh vương phả ký
- Chúa Trịnh Tùng và lệnh chỉ . PGD.TS Đinh Khắc Huân
- Thơ văn Phủ Chúa Trịnh.Đinh Khắc Huân .Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin. 2012
- Chúa Trịnh và đô thị Thăng Long. TS Trịnh Quang Dũng