21 Tháng 12 2024

VĂN MINH TRÀ VIỆT

VĂN  MINH TRÀ VIỆT”  KHO TƯ LIỆU  TÔN VINH

VĂN HÓA TRÀ VIỆT NAM

       Tại hội thảo-Liên hoan trà quốc tế Thái nguyên 2011, chủ đề về “Văn minh trà Việt” lần đầu tiên được tôn vinh và trình bày một cách sinh động, đầy đủ nhất gây nhiều bất ngờ và thích thú  cho các đại biểu tham dự. Bằng hàng loạt những chứng cớ lịch sử, khảo cổ, hình ảnh, nhân chứng, vật chứng nhà nghiên cứu Trịnh Quang Dũng (Tp.HCM) đã khẳng định nền văn minh trà Việt sớm nhất trên thế giới và là “cái nôi” của chè thế giới.

       Thế giới đã từng tồn tại bốn nền văn hóa trà:Trà Việt Nam, trà Trung Hoa, trà Nhật  bản và trà Hàn quốc. Song thật đáng tiếc, Nền Văn Hóa Trà Việt dường như dần biến mất và trong tâm tưởng của mọi người…ngày nay, hầu như chỉ còn tồn tại Trà kinh Trung Hoa và Trà đạo Nhật Bản, tiếc thay! Điều đáng tiếc ấy xuất phát từ việc thiếu hụt tư liệu văn hóa viết chính thống, cùng sự ngộ nhận do hụt hẫng  thông tin chuẩn xác về một nền văn minh trà Việt lâu đời giàu bản sắc.

       Văn minh trà Việt  thể hiện được cả một mảng quan trọng trong nền văn minh của dân tộc trải suốt 4000 năm văn hiến. Nó hội đủ cả: văn hóa trà Việt, nghệ thuật trà Việt, trà cụ Việt, trà nghiệp Việt … và điều quan trọng hơn cả, nó toát lên cái vóc dáng kì vĩ của dân tộc Lạc Việt dựa trên nền tảng lịch sử, văn hóa đầy hào hùng, đầy thăng trầm và nở rộ những trang sử  huy hoàng.

Trà cổ thụ Hoàng Liên Sơn hai người ôm


      Cuốn sách Văn minh Trà Việt của tác giả Trịnh Quang Dũng do nhà xuất bản Phụ Nữ  ra mắt độc giả Việt nam viết về cuộc hành trình văn hóa uống trải dọc bề dày suốt hơn 4000 năm của người Việt. 4 chương trong Văn minh trà Việt, trình bày mạch lạc về nguồn gốc xuất xứ của trà Việt và khẳng định Việt nam là cội nguồn trà của thế giới. Bằng những luận chứng và tư liệu đầy thuyết phục: Cội nguồn Trà Việt nhìn từ góc độ cương thổ-địa lý; Cội nguồn Trà Việt qua truyền thuyết  và tư  liệu  lịch sử; Cội nguồn trà Việt qua thư tịch cổ; Cội nguồn trà Việt qua vùng trà cổ hoang dã và Cội nguồn trà Việt qua những tập tục uống trà, di chỉ khảo cổ. Lần đầu tiên trang Biên niên sử trà Việt hé lộ, được dựng nên bằng những cứ  liệu quí giá, chắt lọc, truy xét kỹ lưỡng từ nhiều nguồn thông tin: Dữ liệu lịch sử, tư liệu khảo cổ, tác phẩm văn học, các truyền thuyết, phả lục và trên hết từ những nhân chứng, vật chứng sống còn đang hiển hiện quanh ta (Chương I). Những quả trà cổ 13.200 năm tuổi ở hang Con moong trong không gian sống của người Việt cổ, một rừng trà Hoàng Liên sơn bạt ngàn hơn 1.100.000 cây cổ thụ trà với những cá thể lão trà hàng ngàn tuổi còn tới ngày nay đã chinh phục lòng người đọc.

 Ông “Hoàng thủy tinh” Trịnh Đình Kính pha, thưởng trà – Xuân 1954 tai Hà Nội


 Ấm Rùa lục giác Thổ Hà


       Chương II tiếp theo trình bày súc tích, bao quát nghệ thuật thưởng trà độc đáo Việt với sự song hành của hai phong thái: Trà giải khát dân gian và nghệ thuật thưởng Trà Bác học-Cung đình cao sang, tinh tế. Một thời vàng son của trà Việt ẩn hiện những danh trà: Tước thiệt, Mạn hảo, Cam khổ…đạt tới tột đỉnh cao sang với Trinh nữ trà của quốc sư Nguyễn Hoãn mà hậu thế không dễ gì theo kịp. Danh thủy dùng trong nghệ thuật ẩm trà Việt nổi trội với nguồn “Thiên thủy”  đặc trưng với nước sương vương đọng trên lá sen mà người xưa gọi là “bán thiên hà thủy” (nước của con sông từ lưng từng trời). Nước sương là một sản phẩm thiên tạo tự nhiên mang lại cho nghệ thuật pha trà và ẩm trà Việt cái đơn sơ trong sự cầu kỳ, cái mộc mạc trong sự cực tinh tế và là cách tu thân, phép luyện học chữ Nhẫn cao siêu của cổ nhân từ việc uống trà. Biến nghệ thuật thưởng trà Việt thành nơi hình thành nhân cách con người. Đó cũng chính là chất siêu đẳng của nghệ thuật thưởng trà Việt vậy. Phong cách ngồi thưởng trà, trà thất, cách ứng sử với trà theo truyền thống Việt…đều dần được làm sáng tỏ. Đặc biệt từ thế kỷ XVIII trở về sau, dòng trà Cung đình Việt thanh cao với triết lý Trà Nô do Chúa Tĩnh Vương Trịnh Sâm (1767-1782) khởi xướng. Một triết lý bình dị mà cao siêu, vừa giản đơn lại rất mực uyên thâm. Nó đánh dấu son và tạo dựng nét xuất thần độc đáo, đậm bản sắc riêng của dòng trà cung đình Việt nói riêng và nền văn minh trà Việt nói chung. Ở ngôi vị chí tôn, trên tất thảy muôn người, Nhà Chúa phát hiện ra một “chân lý”, nghe qua thật mộc mạc: Muốn thưởng thức được vị ngon của trà - hãy làm Nô bộc cho Trà! Và Triết lý Trà Nô đã ra đời.

       Để tôn vinh nghệ thuật và văn hóa trà Việt không gì khác hơn chính là giới thiệu đầy đủ nền trà cụ Việt độc đáo với hình thái đa dạng: trà cụ dân gian bản địa, trà cụ cung đình, trà cụ ký kiểu, trà cụ xuất khẩu ra thế giới. Xuyên suốt chương III, bức tranh toàn cảnh về trà cụ Việt lần đầu được phục dựng cho thấy tính hoành tráng, đa sắc, cao sang đầy sáng tạo của nghệ thuật chế tác trà cụ Việt. Những bộ trà cụ ngọc ngà, vàng bạc từ thủa Hùng vương (2879-258 TCN), Triệu Văn Đế (137-122 TCN) và đã hành trình theo suốt dòng lịch sử dân tộc tới tận ngày nay. Vào thời gian từ thế kỷ 16-18, sự kiện trà khí Việt đoạt chiếm vị trí của trà khí Trung hoa trong văn hóa Trà đạo Nhật là sự kiện hi hữu, chứng tỏ “chất hồn”, cũng như nghệ thuật gốm trà Việt đã đạt đến một đỉnh cao phải được trân trọng

Ấm trà Bí ngô thời Đinh - Lý


       Một bề dầy về nghề khai thác, canh tác trà trải hơn 4000 năm của tộc Việt vượt qua bao bão tố của lịch sử cũng đã được tìm tòi, tái hiện thông qua những vùng trà huyền thoại, những đặc sản trà Sen tinh tế, sang trong chinh phục lòng người, khắc dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn bè toàn cầu. Một bề dầy trong trà nghiệp, quán trà xưa và nay, nghề xuất khẩu trà ra thế giới được các thương điếm, doanh nhân phương Tây ghi nhận cũng đã được trình bày đầy đủ trong chương IV. Hình ảnh quán trà xưa  cùng những cách thức  bán chè dạo, chè chén hết sức độc đáo và đặc trưng của trà Việt phần nào phôi pha theo năm tháng cũng được tái hiện đáp ứng phần nào nỗi hoài niệm của giới mộ điệu văn hóa trà. Bằng cách truy tìm, lượm lặt công phu, đầy trách nhiệm, tác giả công bố những nguồn ngự thủy danh tiếng xưa, một thời từng là nước pha trà dành riêng cho các bậc đế vương đất Việt. Rồi các loại danh trà thất truyền lần đầu tiên hé lộ danh tính trước công chúng chắc chắn đem lại sự thích thú cho người đọc. Kinh nghiệm trà thảo mộc rong đời sống Việt lại là một góc khác biệt thuộc văn minh trà Việt khiến không ít người ngỡ ngàng. Cuối cùng, cuốn sách gửi tới độc giả thông điệp của người xưa gói gọn trong lời “sấm” dạy của thần y Tuệ Tĩnh: Trà khả thanh tâm giải nhiệt, ẩm nhất bát, vạn lự đốn tiêu -Trà làm cho tâm hồn sảng khoái, thanh nhiệt cơ thể, uống một bát vạn nỗi ưu phiền tan biến.

       Khi viết về nền văn minh trà Việt, những sử liệu, tư liệu gia phả, dữ liệu khảo cổ… thường khô khan dễ làm bạn đọc nhàm chán. Lại những lúc sử dụng nhiều truyền thuyết, truyền ngôn dân gian ẩn chứa đầy tính huyền hoặc mông lung khiến độc giả cảm nhận tính xác thực bị hạn chế. Vì vậy tác giả Văn minh trà Việt đã thể hiện tác phẩm bằng lối bút pháp văn hóa sử biến hóa với tiêu chí “Lấy lịch sử làm chính xác văn hóa” và ngược lại, “Mượn văn hóa làm tươi mát lịch sử”. Hy vọng bút pháp đó giúp người đọc vừa có được sự thoải mái trong thưởng ngoạn Văn minh trà Việt lại vừa được củng cố niềm tin vào những sự kiện mang tính “đột phá” của tác phẩm.

Trà Tầu-Việt lan tỏa rộng trong đời sống xã hội TK 19

       Thật sự, Văn minh trà Việt vừa như một tác phẩm văn hóa lại vừa mang được tính xác thực, đậm tính sử liệu đem lại một cách nhìn nhận mới, toàn diện hơn, hoàn thiện hơn về Trà Việt. Không chỉ vậy nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều danh nhân lịch sử, nhiều câu truyện về văn hóa, nhiều tập tục cổ của tộc Việt cũng được nhắc đến giúp ta hiểu thêm nhiều mảng tối trong đời sống Việt, cũng như những ký ức hào hùng của ông cha đang dần bị phôi pha. Chính bởi vậy, văn minh trà Việt còn là kho tư liệu cho những ai say mê, trân trọng văn hóa Việt Nam.



Để lại một bình luận

Gõ tiếng Việt có dấu khi tham gia bình luận. Bình luận của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng!

Hỗ trợ trực tuyến

Mr.Trịnh Đức

ĐT: 090.7707671

Skype Me™!

Mr.Trịnh Tứ

ĐT: 090.8340877

Skype Me™!

You need Flash player 6+ and JavaScript enabled to view this video.

Bình chọn trực tuyến

Bạn biết đến website hotrinhphia.com qua?

Hội thảo - 0%
Bạn bè - 25%
Truyền hình - 25%
Internet - 37.5%
Các nguồn khác - 12.5%

Tổng số phiếu: 8
The voting for this poll has ended on: Tháng 7 21, 2013